Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Hà Tĩnh: Quyết liệt và thực chất!

Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Hà Tĩnh: Quyết liệt và thực chất!
Thấm nhuần quan điểm giáo dục là quốc sách và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, phong trào xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân Hà Tĩnh đồng tình hưởng ứng từ những ngày đầu khởi xướng. Qua bao nỗ lực, Hà Tĩnh được cả nước biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng trường chuẩn.

 

Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Hà Tĩnh: Quyết liệt và thực chất!
“Thư viện xanh” ở trường Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, bếp ăn, khuôn viên sân trường, cô Nguyễn Thị Luyện - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Gia Hanh (Can Lộc) không giấu nổi niềm vui: “Có được khuôn viên xanh, sạch, đẹp, cơ sở khang trang như ngày hôm nay không chỉ nhờ bàn tay cần cù chăm sóc của đội ngũ giáo viên nhà trường mà còn nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân trong việc đóng góp ngân sách để đầu tư cho bậc học đầu đời. Nhờ thế, chất lượng nuôi dạy trẻ trên địa bàn ngày càng được cải thiện”.

Sự nghiệp giáo dục ở vùng trà sơn còn nhiều khó khăn - nơi có gần 50% đồng bào có đạo đã thực sự bước sang trang mới. Cùng với nguồn ngân sách của xã, mỗi người dân Gia Hanh tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng để đầu tư cho giáo dục. Hơn 4 tỷ đồng được huy động xây dựng CSVC trường lớp cho bậc học mầm non là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Không chỉ Gia Hanh, khắp các xã, phường trên toàn tỉnh, xã hội hóa (XHH) giáo dục đã thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thay đổi diện mạo những mái trường trên mọi miền quê. Anh Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) cho biết: “Năm học 2013-2014, chúng tôi huy động nguồn XHH, nguồn đóng góp từ phụ huynh và ngân sách xã hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư củng cố hàng rào, khuôn viên, nhà vệ sinh, phòng chức năng cho Trường THCS Bồng Lĩnh. Cũng từ sự quan tâm của cấp trên và sự đồng thuận của người dân nên đến nay, cả 3 trường học trên địa bàn (trong đó 4 trường mới được sáp nhập thành 2 trường) đều được công nhận chuẩn quốc gia”.

Mỗi địa phương có một sáng kiến, cách làm riêng nhưng đều có chung một mục đích, đó là tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có môi trường dạy - học tốt nhất. Thầy Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng Giáo dục TX Hồng Lĩnh cho biết: “Vấn đề xây dựng trường chuẩn được TX Hồng Lĩnh thực hiện trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tùy theo điều kiện của từng xã, phường mà tỷ lệ đầu tư cũng có sự thay đổi. Ngoài ra, chúng tôi cũng có quan điểm rõ ràng trong đầu tư xây dựng, đó là ngân sách cấp trên dành để xây dựng nhà học, còn việc sắm sửa trang thiết bị, tu bổ các hạng mục nhỏ như san lấp mặt bằng, mái tôn, cổng, tường bao… do phụ huynh đóng góp”.

Đến nay, Hồng Lĩnh trở thành một trong những điểm sáng của phong trào XHH giáo dục với tỷ lệ trường đạt chuẩn cao, đặc biệt, ở bậc học mầm non, toàn tỉnh có 4 trường đạt chuẩn mức độ 2 thì TX Hồng Lĩnh có 2 trường.

Cô Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi trong việc đánh giá trường để công nhận đạt chuẩn được thực hiện một cách quyết liệt, thẳng thắn và thực chất. Chính vì thế, qua công tác kiểm tra, rà soát thời gian gần đây, Sở đã tham mưu, đề nghị tỉnh thu hồi bằng công nhận chuẩn của 59 trường (43 trường tiểu học, 9 trường mầm non và 7 trường THCS) với lý do CSVC không đáp ứng yêu cầu”.

Sự xuống cấp về CSVC tại các trường học một phần do sau khi được công nhận chuẩn, trường không được tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, ngoài ra, yêu cầu đạt chuẩn về CSVC ngày càng cao hơn. Cụ thể ở bậc mầm non là Thông tư 02 - tiêu chuẩn CSVC có thêm hạng mục: phòng học có thêm phòng ngủ; ở bậc tiểu học là Thông tư 59 yêu cầu có thêm phòng học ngoại ngữ, phòng giáo dục thể chất hoặc nhà tập đa năng, bậc THCS là Thông tư 47…

Chính vì thế, “rút chuẩn” là một trong những biện pháp để các trường và địa phương có kế hoạch đầu tư nâng cấp, phấn đấu đạt chuẩn theo đúng lộ trình.

Mỗi năm học kết thúc cũng là lúc các địa phương lại sôi nổi với chiến dịch huy động nguồn lực xây dựng CSVC trường lớp. Phong trào ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng và phát huy hiệu quả bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thế nên, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với người dân Hà Tĩnh, chất lượng và môi trường giáo dục luôn được quan tâm đầu tư.

THÚY NGỌC
Nguồn baohatinh.vn