Chăn nuôi gà công nghiệp, hướng đi mới trong tư duy phát triển kinh tế

Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, được sự giúp đỡ của chính quyền xã, ông Phan Văn Tài cùng với 2 hộ gia đình trong thôn đã góp vốn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghiệp kết hợp trồng cây ăn quả tại thôn 5, xã Sơn Long (Hương Sơn). Đây là một mô hình mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Đoàn lãnh đạo tỉnh và huyện tham quan trang trại gà của ông Phan Văn Tài, Sơn Long
 

  

Đoàn lãnh đạo tỉnh và huyện tham quan trang trại gà của ông Phan Văn Tài, Sơn Long

 

 

Sau khi địa phương có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung để xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi, ông Phan Văn Tài đã đăng ký và được cấp ủy chính quyền địa phương tạo điều kiện về thủ tục, chính sách đất đai, vay vốn để đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gà công nghiệp liên kết với Công ty JapFa có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Trang trại có diện tích khoảng 3ha, được đầu tư trên 1,8 tỷ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng khuôn viên khu chuồng trại  quy mô 1 vạn con mỗi lứa, đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế của đơn vị liên kết. Với hình thức, công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn thi công chuồng trại, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, về phía hộ gia đình bỏ vốn đầu tư đất đai, chuồng trại, công chăm sóc.

Để xây dựng trang trại chăn nuôi gà, ông Tài đã phải lựa chọn mô hình đầu tư, gặp gỡ với công ty cung cấp nguồn đầu vào, tìm hiểu thị trường, tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình chăn nuôi gà công nghiệp ở các địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đây là mô hình chăn nuôi có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, đem lại hiệu quả cao, công chăm sóc ít, hoàn vốn nhanh, độ rủi ro thấp. Ưu điểm của mô hình   là khu chuồng trại khép kín, được xử lý kỹ thuật đúng quy chuẩn, có khả năng kiểm soát dịch bệnh từ ngoài vào và ít gây ô nhiễm môi trường. Từ lúc gà con mới nở đến lúc xuất chuồng khoảng 45 ngày, bình quân trọng lượng của mỗi con đạt từ 2,5 - 3kg, một năm có thể nuôi được 6 lứa, trừ các chi phí mỗi năm thu về lãi ròng từ 300 – 350 triệu đồng. Ngoài đầu tư chăn nuôi gà công nghiệp, ông Phan Văn Tài còn đầu tư trồng trên 1.600 gốc cam V2 và sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày.

Đây là mô hình duy nhất của huyện Hương Sơn đến thời điểm này. Thời gian qua đã có nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hiện xã Sơn Long đang tiếp tục vận động bà con nông dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại, gia trại khác để phát triển kinh tế hộ gia đình. Về phía cấp ủy chính quyền địa phương đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên 20ha để nhân dân có đất đầu tư làm trang trại.

 Mô hình chăn nuôi gà công nghiệp của ông Phan Văn Tài là một bước đi táo bạo, thể hiện quyết tâm bứt phá trong phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trên con đường xây dựng NTM. Ông Tài cho biết, thời gian sẻ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 khu chăn nuôi 1 vạn con nữa để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là  việc huy động nguồn vốn và mong muốn tỉnh và huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân đầu tư trang trại chăn nuôi gà công nghiệp theo chương trình hỗ trợ xây dựng NTM.

Hương Hà
Theo huongson.gov.vn