"Đổi đời" ở bản Rào Tre
- Chủ nhật - 02/12/2012 20:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ Công tác Rào Tre trò chuyện cùng bà con dân bản. |
Nhằm giúp đồng bào dân tộc Chứt - một tộc người tưởng đã bị lãng quên trong rừng núi Hà Tĩnh - ổn định cuộc sống, yên tâm ở bản, phát triển sản xuất, năm 2001 UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trọng trách thực hiện Đề án Xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội ở Rào Tre cho Bộ đội Biên phòng tỉnh. Tổ Công tác Rào Tre ra đời từ đó. Ngày đầu thành lập, tổ có 8 người, mỗi người “kiêm” nhiều phần việc khác nhau. Thiếu úy Nguyễn Bá Sơn, người có thâm niên bám bản lâu nhất trong Tổ Công tác, nhớ lại: “Bà con ngày ấy chỉ nói được tiếng của người Rục. Anh em trong tổ lại chưa có ai thông thạo tiếng của bà con. Vậy là quyết định học tiếng, nhưng cũng không hề đơn giản, bởi bà con còn tự ti, ngại tiếp xúc với người lạ. Chúng tôi phân công anh em trong tổ, mỗi người phụ trách một nhóm hộ để thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt). Trong thời gian đó, anh em kết hợp học tiếng luôn. Anh em quán triệt, trong tất cả lời nói và hành động, đều phải cẩn trọng, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ làm bà con mặc cảm mà xa lánh cán bộ. Cứ như vậy, đến bây giờ, không những trẻ em mà cả người lớn ở Rào Tre cũng đã biết đọc, biết viết”.
Ngày ấy, do tập quán sinh sống lạc hậu, thiếu vệ sinh nên dịch bệnh cũng hoành hành. Đàn ông trong bản Rào Tre hầu hết nghiện rượu, thuốc lá, mắc bệnh lao, sốt rét, đàn bà mắc bệnh phụ khoa… Khi mắc bệnh, bà con chỉ quen cúng “con ma rừng” nên nhiều người bị chết oan. Vượt qua khó khăn, Tổ Công tác Rào Tre đã lập nên những kỳ tích khi làm "đổi đời" cho bà con dân tộc Chứt. Bà Hồ Thị Nam, Bí thư chi bộ kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Rào Tre tự hào cho biết: “Bà con nay được ở trong những ngôi nhà ngói khang trang, vững chãi. Ốm đau, sinh đẻ đã có trạm quân dân y của bộ đội biên phòng, con em của bản được đến trường. Bà con từ chỗ không biết làm ruộng nước, nay đã biết gieo cấy mỗi năm hai vụ. Gia đình nào cũng nuôi lợn, gà và có vài héc-ta cây keo, bạch đàn, cây ăn quả. Một số hộ còn có trâu, bò, sắm cả ti vi, xe gắn máy. Tình trạng đói ăn tuyệt đối không còn nữa...”.
Ngày đầu bản Rào Tre chỉ vẻn vẹn có 14 hộ dân với 48 nhân khẩu, thì nay đã tăng lên 31 hộ với 132 nhân khẩu. Cùng với việc xóa mù chữ giúp bà con, bộ đội biên phòng cũng đã vận động được 30 em đi học bán trú để sau này trở về xây dựng bản làng.
Bài và ảnh: LÊ NHI
Theo qdnd.vn