Đưa nghề làm lông mi giả về quê

Đưa nghề làm lông mi giả về quê
Thấy nghề sản xuất lông mi giả nhẹ nhàng lại không đòi hỏi tay nghề cao, thu nhập cũng khá, chị Nguyễn Thị Thủy (xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã nhận nguyên liệu và mở tổ hợp tác gia công mặt hàng này ở quê nhà.

 

Việc đưa nghề mới về quê giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi.

Những ngày này, hàng trăm gia đình ở Cẩm Hà vừa gặt hái xong lại quây quần bên những chiếc bàn với chiếc nhíp trên tay, cặm cụi đan những sợi lông mi.

Chị Thủy (trái) và bà Thảo đan lông mi giả.

Nghề mới về làng

Bà Nguyễn Thị Thảo (57 tuổi) ở thôn 8 cho biết: “Gia đình tui nhận gia công cho tổ hợp tác sản xuất lông mi giả Cẩm Hà”. Theo bà Thảo, nghề lạ này được chị Thủy đưa từ miền Nam về đã 6 năm nay, bây giờ cả làng tham gia đan lông mi giả. Nghề mới này giúp người dân có thêm việc làm và thu nhập vào dịp nông nhàn.

Theo chỉ dẫn của bà Thảo, chúng tôi đến nhà chị Thủy. Đây cũng là "trụ sở" của tổ hợp tác và là nơi thu nhận sản phẩm của các xã viên.

Chị Thủy kể: “Năm 2005 tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân cho một xưởng gia công sản xuất lông mi giả. Sau một thời gian làm việc ở đây, tôi thấy nghề này nhẹ nhàng, ai cũng làm được miễn là mắt sáng; học chỉ khoảng một tuần là thành thạo nghề, thu nhập cũng khá. Tôi nghĩ ngay đến nguồn lao động nhàn rỗi nhiều ở quê nên gặp chủ cơ sở xin về quê mở cơ sở gia công. Đề xuất của tôi được chủ cơ sở đồng ý. Năm 2006, tôi về quê mở cơ sở đan lông mi giả và thuyết phục được nhiều người dân trong xã tham gia”.

Theo chị Thủy, đơn đặt hàng của cơ sở chị ngày một nhiều nên người dân trong xã làm không hết việc. Tháng 8.2011, tổ hợp tác sản xuất, gia công lông mi giả thành lập với trên 200 xã viên. Các xã viên có thể nhận nguyên liệu về nhà làm, sau đó tổ hợp tác thu mua và trả lương theo sản phẩm.

Nghề phụ thu nhập chính

Cẩm Hà là vùng đồng bằng của huyện Cẩm Xuyên, với cây trồng độc tôn là lúa. Ở đây không có nhiều đất sản xuất hoa màu, vì vậy sau vụ thu hoạch lúa người dân không có việc làm. Từ ngày nghề đan lông mi giả du nhập về xã, người dân rất phấn khởi.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, các sản phẩm lông mi giả được làm tại Cẩm Hà chủ yếu là sản phẩm thô, sau khi đưa vào TP.HCM, họ làm qua 2 bước nữa rồi mới bán ra thị trường phục vụ cho các tiệm trang điểm và xuất khẩu.

Chị Nguyễn Thị Bảo ở thôn 7 cho biết, trước kia, hàng ngày cứ 5 giờ sáng chị đi xe máy lên thị trấn mua bánh mì về bán cho học sinh, trừ chi phí xăng xe chỉ kiếm được 1 triệu đồng/tháng. Từ ngày tham gia tổ hợp tác đan lông mi giả, mỗi tháng chị cũng có 3 triệu đồng. Mỗi ngày chỉ làm khoảng 4 tiếng, tranh thủ những lúc rảnh rỗi. Nghề này là dù trời mưa, nắng hay ban đêm đều làm được. Chị Bảo cho biết thêm, các khoản tiền đóng nộp học hành của con chị cũng nhờ vào khoản thu nhập này.

Chị Nguyễn Thị Lương (thôn 7) tâm sự: “Tuy làm lông mi giả là nghề phụ nhưng với gia đình tôi thì đây là thu nhập chính. Ngoài việc đồng áng, các thành viên gia đình tôi dành trọn thời gian để đan lông mi giả, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng.

Theo thống kê hiện xã Cẩm Hà đã có trên 300 lao động tham gia đan lông mi giả với thu nhập mỗi tháng từ 1 - 3,5 triệu đồng/người.

Lam Khê
Theo danviet.vn