Hương Khê - Đi xa lại muốn về...
- Thứ sáu - 24/11/2017 04:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn cảnh thị trấn Hương Khê. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
PGS-TS Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh): Đi mô cũng nhớ về
Xa quê đã hơn nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm; phiêu dạt nhiều nơi, từ núi rừng xa xôi đến nơi thị thành phồn hoa, nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ quê nhà. Trạng thái ngày thì ở nơi “thường trú”, đêm thì lởn vởn nơi “chôn nhau cắt rốn” với những giấc mơ hỗn độn không đầu không đuôi dường như là thường xuyên ở tôi.
Tôi thường về quê, nhất là khi có những sự kiện quan trọng, những sự cố như thiên tai xảy ra đối với quê hương. Nhiều người khen tôi yêu quê hương, thậm chí Đài Truyền hình VTV còn làm phóng sự về tôi với nghĩa tình quê hương. Ai mà không yêu quê hương, đâu phải chỉ có tôi. Đã là người Hà Tĩnh thì “đi mô cũng nhớ về”, Hương Khê lại càng hơn vậy.
Hương Khê là vùng biên viễn, phên dậu của nước Đại Việt xưa, là vùng đại ngàn rậm rạp, hoang vu… Trước hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, lắm thú dữ và trong công cuộc khai phá đầy gian nan, vất vả, những người đi mở đất đã phải nương tựa vào nhau, cưu mang lẫn nhau, cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chống thiên tai, địch họa để sinh cơ lập nghiệp, bảo vệ giống nòi.
Qua thời gian, tính hợp quần thành tính cộng đồng, mọi người sống với nhau có nghĩa, có tình. Do vậy mà tình làng, nghĩa xóm ở đây dường như mặn mà hơn, gắn bó thân thiết hơn. Cũng do cuộc sống khó khăn nơi rừng núi, dường như đa số người Hương Khê đều phải trải qua những ngày gian nan, vất vả, từ cắt cỏ, chăn trâu, cày bừa đến lên rừng hái củi, thu lượm lâm thổ sản, ngày ngày vui vầy với củ khoai, củ sắn, trở thành những kỷ niệm sâu đậm ở quê hương nên “ai đi xa mô đó”, cũng không dễ dàng quên được.
Hương Khê còn nghèo, nhưng người rời quê, đi tìm kế sinh nhai cũng ít hơn nơi khác; tình trạng ruộng nương bị bỏ hoang do đi xa kiếm sống rất ít ở Hương Khê. Lực đẩy không cao, sự níu kéo của quê hương xứ sở còn mạnh, vậy nên, dù có vì điều kiện phải đi xa thì cũng luôn muốn về.
Đặc sản bưởi Phúc Trạch - Hương Khê nổi tiếng khắp cả nước
Anh Trần Văn Phiếu - Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTXD và TM Tiên Phong - Vina (TP Hà Nội): Trở về với những dự án đầu tư trên quê hương
Là vùng đất có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng Hương Khê cũng được bù đắp nhiều lợi thế. Những huyết mạch giao thông trong chiến tranh giờ đang thành những con đường chiến lược cho phát triển KT-XH của huyện. Huyện có nhiều danh thắng nổi tiếng như hồ Bình Sơn, thác Rào Rồng, thác Vũ Môn cùng với những đặc sản nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, trầm hương... Đây là những điểm đặc biệt thu hút các nhà đầu tư và huyện cần phải khai thác được những lợi thế này để tạo nên sự bứt phá.
Trên chặng đường phát triển mới của quê hương, những doanh nhân là con em xa quê như chúng tôi rất mong muốn được trở về với vai trò là những nhà đầu tư mở đường bằng những dự án có hiệu quả. Không chỉ với riêng doanh nghiệp của mình mà tôi đang kết nối, kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác đến với Hương Khê, vừa để đánh thức tiềm năng địa phương, vừa tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân quê hương. Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện Hương Khê luôn lắng nghe, đồng hành với nhà đầu tư bằng những bước cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính; mong muốn người dân quê hương ủng hộ, góp sức để các ý tưởng đi tới thành công.
Miền quê đáng sống ở Hương Khê
Tiến Sỹ Đặng Trần Thọ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng; Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt Lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội): Gửi gắm niềm tin ở thế hệ trẻ
Dẫu có đi đến muôn nơi, người Hương Khê luôn da diết hướng về. Quê tôi đó, nơi kiên cường trong bom đạn, nhẫn nại với thiên tai để vươn lên. Mảnh đất Hương Khê, nắng mưa rõ ràng.
Khi nắng thì “đặc sản” gió lào không nơi nào bằng, khi mưa thì trắng bạc đất trời khó có nơi hơn. Quê tôi có dòng Ngàn Sâu chảy qua, chia cắt các xóm làng bên những bến đò đổ dốc trơn trượt, những cây cầu tạm gập ghềnh gắn bó tuổi thơ đến trường của trẻ em vùng lũ. Các thế hệ con em Hương Khê trong nghèo khó, vất vả đã miệt mài học tập, rèn luyện với ý chí phải vươn lên, xây dựng sự nghiệp cho mình, cho gia đình và quê hương. Rất nhiều anh, chị, em đã trưởng thành, một phần rất lớn là nhờ có sự thôi thúc từ quê hương yêu dấu.
Trở về quê trong dịp Hương Khê ghi dấu bề dày truyền thống 150 năm, ngoài những hoạt động thiết thực cùng huyện chăm lo cho người nghèo, chúng tôi muốn truyền ngọn lửa khát vọng đến với thế hệ trẻ quê hương, mong các bạn mở đường khởi nghiệp bằng bản lĩnh, ý chí của người Hương Khê; chủ động, tự tin trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Chặng đường xây dựng, phát triển mới của huyện rất cần hội tụ trí tuệ, năng động sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến hết mình của tuổi trẻ hôm nay.
Theo PV/baohatinh.vn