Mùa vàng trên vùng đất phèn chua nhiễm mặn
- Thứ hai - 17/06/2013 23:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cẩm Lĩnh là vùng bán sơn địa nằm ở ven biển có diện tích tự nhiên rộng gần 1.750 km2 nhưng chỉ có 394 ha đất trồng lúa, trong đó hầu hết là đất phèn chua và nhiễm mặn, đã vậy nguồn nước tưới tiêu lại khan hiếm. Cộng theo đó, nhận thức của bà con nông dân còn hạn chế, chủ yếu sản xuất theo tập quán cũ, sử dụng các loại giống có năng suất thấp, giống đã sản xuất nhiều vụ; sử dụng phân bón và chăm sóc lúa không đúng quy trình và thời vụ, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh tùy tiện vì thế năng suất thấp khiến đời sống của bà con nông dân hết sức khó khăn, thậm chí thiếu đói triền miên.
Đó là câu chuyện của những năm trước đây, còn bây giờ mọi thứ đã đổi khác. Những mùa lúa gần đây năng suất bình quân thường xuyên đạt 48.8 tạ /01ha. Đặc biệt, vụ đông xuân 2013 này tổng sản lượng lương thực toàn xã ước tính đạt 1.570 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 56,7 tạ/1ha, riêng 2 ha cánh đồng mẫu với diện tích 55 ha cho năng suất trên 60 tạ/ha. Đây là vụ mùa có sản lượng và năng suất cao nhất từ trước tới nay ở Cẩm Lĩnh. Điển hình những hộ sản xuât giỏi phải kể đến hộ ông Phan Văn Bính, thôn 4 thu hoạch trên 4 tấn lúa; hộ ông Phạm Đình Hội, thôn 3 thu hoạch trên 5 tấn lúa…
Để có được mùa vàng bội thu như hôm nay, trước hết nhờ chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp lần 2 năm 2009 và thực hiện chương trình đào tạo nghề cho nông thôn một cách hiệu quả. Nhờ đó diện tích thửa được mở rộng và tập trung, người dân được tham gia các lớp học nghề, tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM từ năm 2011 lại nay, Cẩm Lĩnh đã chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, thành lập các mô hình mẫu, mở được gần 30 lớp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi với số lượng gần 2.000 lượt người tham gia. Được tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn qua các nguồn tín dụng đầu tư cho sản xuất, riêng sáu tháng đầu năm 2013 bà con đã được vay 2,9 tỷ đồng là một trong những nguyên nhân góp phần làm nên thành công của vụ xuân năm nay. Bên cạnh đó nhiều mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng NTM được thành lập….
Nhờ những việc làm thiết thực đó, trình độ và nhận thức của người dân càng được nâng cao trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quá trình chăm sóc cây lúa, người nông dân còn được trang bị kiến thức kiểm tra tình hình sâu bệnh thường xuyên. Từ đó có các biện pháp hợp lý diệt trừ rầy nâu, rầy lưng trắng và các loại sâu bệnh khác xuất hiện trên cây lúa; thực hiện quy trình tăng giảm nước trong thời gian phát triển của cây lúa; áp dụng chương trình 3 giảm - 3 tăng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng- Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Vào những năm tiếp theo Cẩm Lĩnh sẽ mở rộng diện tích cánh đồng mẫu từ 50ha như hiện nay lên tới 100-150 ha. Qua đó sẽ tập trung hiệu quả hơn, đưa năng suất bình quân cũng như tổng sản lượng lúa hàng năm tăng hơn nhiều lần so với hiện tại”
Minh Tâm
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh