Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng kết cấu hạ tầng

Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, thời gian qua huyện Can Lộc đã tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tích cực huy động các nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Điều đó đã tạo sức mạnh đoàn kết trong Đảng bộ và nhân dân huyện Can Lộc góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhờ huy động tốt nguồn lực đến nay các tuyến đường giao thông ở xã Thiên Lộc cơ bản đạt tiêu chí NTM (Ảnh Gia Hiếu)
  
Về Thiên Lộc hôm nay, bất cứ người con nào trên quê hương này cũng không khỏi tự hào bởi những con đường rộng dài thoáng mát, bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Năm 2010, khi được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền Thiên Lộc nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng NTM là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục tiêu nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho chính người dân. Người dân là chủ thể  xây dựng NTM mới. Mọi việc làm từ chủ trương, đường lối đến cách thức đóng góp trong xây dựng kết cấu hạ tầng đều được bàn bạc dân chủ, công khai. Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cũng như toàn bộ nhân dân ở Thiên Lộc đã chủ động nhập cuộc bằng tất cả mọi điều kiện, lòng nhiệt tình và khả năng của mình. Tính từ năm 2011 đến nay đã đóng góp hơn 6 tỷ đồng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, kênh bê tông, nhà văn hóa thôn.
 
 
Nhân dân xã Vượng Lộc tích cực làm đường bê tông (Ảnh Ngô Thắng)
 
Xây dựng kết cấu hạ tầng cũng đang làm cho diện mạo nông thôn ở xã Vượng Lộc, vốn được người dân nơi đây thường gọi hài hước với các tên “Vượng Lầy” thay đổi từng ngày. Những con đường lún sụt bùn đất khi mưa xuống và mù mịt bụi khi nắng lên đã không còn nữa, thay vào đó là những tuyến đường được bê tông hóa sẵn sàng đối diện với nắng mưa. Là một xã nghèo đời sống nhân dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, không được chọn làm điểm trong xây dựng NTM, dân cư lại sống phân tán nhưng Đảng bộ Vượng Lộc đã quyết tâm xây dựng kết cấu hạ tầng theo tiêu chí NTM  bằng cách đi riêng của mình. Khi tiến hành xây mới đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, Đảng bộ xã Vượng Lộc xác định không thể trông chờ vào sự đóng góp của người dân, sự ưu đãi của cấp trên nên đã chọn hình thức là kêu gọi sự giúp đỡ, tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa bàn. Chủ đề được cấp ủy Đảng ở đây chọn lựa trong suốt năm 2011, 2012, 2013 là “Năm giao thông nông thôn xóa Vượng Lầy”. Toàn xã Vượng Lộc có 46km đường giao thông nông thôn, trong đó có 38 km đường đất. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đảng bộ Vượng Lộc đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị phổ biến chủ trương, tuyên truyền vận động giao chỉ tiêu cho các chi bộ, các thôn, các hợp tác xã. Chỉ đạo các thôn thành lập các tiểu ban quản lí, tiểu ban vận động để liên hệ vận động các tổ chức, đơn vị, con em xa quê có sự tài trợ, ủng hộ cho thôn xây dựng đường bê tông, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng đường bê tông. Sự năng động, không trông chờ vào cấp trên của Đảng bộ xã Vượng Lộc đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của con em xa quê và nhiều tổ chức hảo tâm. Đến nay, xã Vượng Lộc đã làm được 34,5 km đường bê tông. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, xã vận động được gần 160 triệu đồng của con em xa quê và các tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ trên 1 ngàn m3 đất cấp phối, đá xô bồ, gạch cho các thôn xây đường, kênh bê tông. Cùng với đó, nhân dân trong xã nhận thức được tầm quan trọng của việc xóa đường đất, kênh đất nên đã rất tích cực ủng hộ trong việc đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây và phá bỏ những công trình cho việc thi công những tuyến đường. Anh Đào Sỹ Quân – Đảng viên chi bộ thôn Thái Hòa, xã Vượng Lộc cho biết: “Con em xa quê những người không trực tiếp sinh sống tại địa bàn nhưng đã có tấm lòng để ủng hộ cho sự đổi mới đi lên của thôn thì chúng tôi không có lí do gì lại không tích cực góp công góp sức. Với suy nghĩ đó, tôi và những gia đình quanh đây đã hoàn toàn đồng tình với chủ trương làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng nên đã sẵn sàng hiến tài sản, ngày công lao động và góp thêm tiền để thực hiện được mục tiêu mà xã đề ra”.

 
Xây dựng kết cấu hạ tầng trong xây dựng NTM  được triển khai chủ yếu là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã. Đây là một trong những vấn đề khó bởi đòi hỏi nguồn vốn lớn mà đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đa phần vẫn phải dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để giải bài toán này, trong định hướng chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Can Lộc đã ưu tiên cho việc xây dựng những công trình phục vụ sản xuất dân sinh như đường, kênh bê tông, nhà văn hóa thôn. Phương châm được các cấp ủy Đảng đưa ra là  biến mục tiêu quốc gia thành phong trào tự giác và xem việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM là của địa phương, đơn vị, thôn và gia đình mình. Trong quá trình triển khai thực hiện các công trình đều được dự toán rõ ràng, bàn bạc dân chủ công khai và do nhân dân đứng ra làm chủ. Bên cạnh đó, Can Lộc cũng đã làm lồng ghép có hiệu quả các dự án, các chương trình hỗ trợ, đỡ đầu của nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị cùng chung tay hành động. Với cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tế của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên Can Lộc đã huy động được nội lực trong dân một cách tốt nhất và đó cũng là bí quyết để Can Lộc liên tục nhận được những thành công trong công cuộc đổi mới hiện nay.
 
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình MTGQ về xây dựng NTM, các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu dân sinh ở Can Lộc được cải thiện đáng kể. Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, toàn huyện đã có gần 2 ngàn hộ hiến đất với trên 173 ngàn m2 với giá trị trên hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu là các xã Thường Nga, Gia Hanh, Mỹ Lộc, Đồng Lộc và Quang Lộc. Đã nhựa hóa và bê tông hóa được 267 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, nâng tỷ lệ km đường giao thông nông thôn được nhựa và bê tông hóa đạt chuẩn lên 65%, cứng hóa 196 km đường trục chính nội đồng. Kiên cố hóa được hơn 59 km kênh mương do xã quản lý. Toàn huyện triển khai xây dựng mới và nâng cấp được 53 nhà văn hoá thôn. Điển hình là Thiên Lộc làm 9 nhà trị giá 11 tỷ đồng, Thanh Lộc 8 nhà trị giá 3 tỷ đồng, Khánh Lộc 2 nhà trị giá 2 tỷ đồng. Toàn huyện có 52/194 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn. Xây mới và đưa vào sử dụng 6 trụ sở làm việc cao tầng tại các xã: Đồng Lộc, Kim Lộc, Yên Lộc và Thanh Lộc, Vượng Lộc, Vĩnh Lộc. Nâng tổng số 16 trú sở, 12 hội trường làm việc đạt chuẩn. Ông Bùi Đức Hạnh – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Can Lộc khẳng định: “Thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn chúng tôi thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn đều do người dân quản lý, tổ chức giám sát và phân cấp quản lý bảo vệ trong quá trình hưởng lợi nên chất lượng của các công trình luôn được đảm bảo, được nhân dân đồng thuận và đánh giá cao. Để làm được điều đó, Đảng bộ huyện Can Lộc đã nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp trong việc vạch đường lối, tổ chức thực hiện và vận động nhân dân nhằm phát huy vai trò năng động sáng tạo của cán bộ đảng viên phù hợp với thực tế tại địa phương đó”
 
Nhờ có hướng đi phù hợp, thiết thực với tình hình địa phương và đặc biệt hơn nữa là Đảng bộ Can Lộc đã biết dựa vào dân, biết tập hợp tinh thần đoàn kết, biết khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, nhân dân nên đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Những khởi sắc từng ngày trên các đường quê ngõ xóm làm cho nhân dân càng thêm phấn khởi hơn bởi niềm tin tươi sáng trên con đường xây dựng NTM .
 
                                   Nguyễn Tâm
Đài PTTH Hà Tĩnh