Người cựu chiến binh trên "mặt trận kinh tế"

Năm 1972, người thanh niên vừa tròn 18 tuổi Lê Viết Hừng xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh, Hà Tĩnh tình nguyện lên đường ra chiến trận. Sau 4 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh, năm 1976 rời quân ngũ trở về quê hương với tỷ lệ thương tật trên 41%. Sau nhiều năm lăn lộn “lên rừng -`xuống biển” với đủ thứ việc làm và gặp không ít khó khăn, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, anh vẫn vượt lên bệnh tật để đầu tư phát triển kinh tế. Khu vực đập Cơn Rê, thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, được anh chọn xây dựng kinh tế trang trại.
Năm 1998 gia đình anh được nhận 10ha tại khu vực đập Cơn Rê, một vùng đất hoang vu chỉ có sim mua và cỏ dại, nhưng nhận thấy tiềm năng nên gia đình anh đã lập phương án đầu tư trang trại. Bước đầu gặp muôn vàn khó khăn: đường đi vào chỉ là một lối mòn, xe cộ, máy móc không vào được, thiếu lao động, thiếu vốn và nhất là thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nhưng với tính chịu khó học hỏi, đến năm 2003 anh đã quy hoạch trang trại theo phương thức Nông Lâm kết hợp. Với 10 ha đất chủ yếu là sườn đồi nên phần lớn được sử dụng trồng cây nguyên liệu, phần diện tích khoảng 1 ha anh đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi gà và lợn rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mô hình trang trại bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Năm 2009 được sự đầu tư của Trung tâm Chuyển giao KHCN huyện Kỳ Anh, gia đình anh đã mạnh dạn nuôi 300 con gà Lương Phượng thả vườn, hiệu quả khá. Năm 2010, Trung tâm ứng dụng KHCN Kỳ Anh tiếp tục chọn trang trại của anh để “trồng thử nghiệm giống sắn chất lượng cao” do sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh lai chọn. Đây là giống sắn mới, trồng được ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, chống chịu sâu bệnh, chịu hạn và có thể thâm canh, năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha, hàm lượng tinh bột cao, ở dạng thô có thể đạt 48%. Từ 600m2 năm 2009 tăng lên 1ha năm 2010 cho thu nhập gần 100 triệu đồng; năm 2011 đã nhân ra được 20ha trong toàn huyện, riêng trang trại của anh cũng tăng lên được 1,5ha, đến nay cũng đã cho thu hoạch, và thu về trên 100 triệu đồng.

Anh Hừng vui mừng báo cáo kết quả trước Lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành liên quan khi đến tham quan trang traị của mình                                                                         

Thành công tiếp nối thành công, cuối năm 2011, trang trại của anh tiếp tục được chọn nuôi thử nghiệm 2.000 con gà Giống VCN - G15 (lai gà trống Ucraina và gà mái Ai Cập) doc Sở KH&CN Hà Tĩnh du nhập. Đây là giống gà hướng trứng, năng suất đạt 260 - 270 trứng/con/năm, chất lượng trứng và thịt không khác gì gà cỏ. Sau 4 tháng nuôi số gà trống được vỗ nuôi để bán làm gà thịt cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng, để lại 700 gà mái đẻ trứng. Hiện nay mỗi ngày trại gà của anh cho trên dưới 400 quả trứng, sau khi trừ chi phí thức ăn, lợi nhuận được 200 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, trang trại của anh còn có trên 40 con lợn rừng, trong đó có 9 con nái, thu từ bán lợn thịt cũng được 60-70 triệu đồng/năm và hiện anh mới du nhập nuôi thử nghiệm 10 con chim Trỉ Đỏ. Năm 2011, trừ chi phí đầu tư, thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng, con số này còn tăng lên theo thời gian và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Hỏi về dự định sắp tới anh cho biết: sẽ mở rộng diện tích để phát triển những giống cây, con hiện có trong vườn, ngoài ra sẽ xây thêm chuồng trại để nuôi giống gà Cỏ đẻ trứng và lấy thịt, trồng khoảng một ngàn gốc chuối tiêu xung quanh vừa thu hoạch quả vừa làm bóng mát cho gà trú nắng.
Chia tay anh, làm chúng tôi suy nghĩ. Anh! một thương binh giàu nghị lực và sáng tạo, dám nghĩ dám làm, xứng đáng “thương binh tàn nhưng không phế”.

 
Quang Tùng
Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh