Nơi ngút ngàn cao su

Nơi ngút ngàn cao su
Sau 5 năm chúng tôi mới có dịp trở lại Đội cao su Hương Thủy (thuộc Nông trường Hương Long) - nơi đặt nền móng cây cao su đầu tiên cho sự nghiệp phát triển cao su của Cty Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh. Mới ngày nào đó thôi, nay trở lại, bốn phía đồi núi đều phủ kín bạt ngàn cao su xanh mướt.

 


Bốn phía đồi núi đều phủ kín bạt ngàn cao su xanh mướt.

Đội trưởng đội cao su Hương Thủy Ngô Đăng Hồng khoe với chúng tôi, "Khu vực này, cao su vừa mới được trồng từ vài năm nay mà đã khép tán tựa như một rừng cây. Lát nữa sang phía bên kia sườn núi, các anh sẽ được chứng kiến toàn bộ rừng cây cao su trồng từ năm 2007, chẳng khác gì một rừng cây nguyên sinh. Lãnh đạo Tập đoàn mỗi khi ra công tác tại Công ty đều ghé thăm Nông trường, họ đều ghi nhận trước rừng cao su bạt ngàn của chúng tôi đấy".

Theo lời giới thiệu của đội trưởng Ngô Đăng Hồng, vượt qua mấy ngọn đồi, đi dưới những cánh rừng cao su xào xạc lá đến với rừng cao su 5 năm tuổi ở đồi Đá Bạc, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi trước mắt là những cánh rừng cao su khép tán điệp trùng thẳng tăm tắp.

Đội trưởng Hồng dừng lại ở một hàng cao su giữa lưng chừng đồi để kiểm tra độ phát triển của cây cao su 5 năm tuổi. Qua đo đếm, lô cây này trung bình có vanh thân cây đạt 34 cm, chiều cao 3 m. Theo đội trưởng Hồng, toàn bộ diện tích vườn cây đều phát triển tốt, đạt và vượt yêu cầu Tập đoàn đề ra.

Cũng theo đội trưởng Hồng, với đà phát triển này thì đến năm 2015, toàn bộ diện tích cao su trồng từ năm 2007 sẽ đưa vào khai thác. Chúng tôi hỏi "Có lẽ khí hậu và chất đất ở đây thích hợp với cây cao su lắm nên cây mới phát triển vượt bậc như vậy?". Hồng trả lời: "Vùng đất này trước kia chủ yếu trồng thông nhưng khi có chủ trương phát triển cây cao su về trên địa bàn Hương Khê, Cty được chuyển đổi và thanh lý thông để trồng cao su”. Quả thực, cả vùng đất Hương Thủy này, cây cao su bén rễ ở đâu đều phát triển tươi tốt ở đó; những đồi cao su là những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt. Phải khẳng định rằng, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây thật sự bén duyên với cây cao su.


Cây cao su bén rễ ở đâu đều phát triển tươi tốt ở đó.

Chúng tôi rão bước dưới vườn cây cao su mà cứ ngỡ như đi trong những cánh rừng nguyên sinh nào đó. Đội trưởng Hồng kể, Đội Hương Thủy có 51 công nhân, trong đó có 10 hộ gia đình với tổng diện tích cao su đến thời điểm hiện tại là 236 ha. Bình quân mỗi hộ nhận khoán từ 3-9 ha. Ngoài thu nhập từ số diện tích đã nhận khoán, hàng năm Nông trường còn giao nhiệm vụ cho công nhân trồng mới nên có thêm thu nhập.

Theo tổ trưởng Thiều Đình Dũng, tổ của anh có 16 hộ công nhân nhận chăm sóc bảo vệ vườn cây; người ít nhất cũng có từ 4-5 ha; người nhiều khoảng 6 ha. Nếu chỉ tính công chăm sóc, bình quân hàng tháng người lao động thu nhập cũng đạt từ 2,5-3 triệu đồng. Nếu trồng mới, thu nhập sẽ đạt từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Đình Dương, một hộ nhận khoán, cho biết, kể từ ngày vào Cty cao su Hương Khê đến nay, cả gia đình anh đều có việc làm ổn định, thu nhập khác xa so với thời kỳ Công ty đang sản xuất, kinh doanh thông. Bên cạnh việc trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn cây, vợ chồng Dương cũng như nhiều hộ gia đình khác, còn có thêm thu nhập từ các khoản như chăn nuôi, SXNN... có thu nhập ổn định, cuộc sống khá giã, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Đi từ ngầm Chữ A, vượt lên đồi Đá Bạc rẽ sang đồi Đập Trạng, đồi Khe Vôi... đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những rừng cao su xanh tươi ngút ngàn.

Một nữ công nhân đang xới cỏ vun gốc cao su, phấn khởi nói: "Kể từ khi được vào làm công nhân Cty cao su Hương Khê, đời sống của gia đình tôi và các hộ gia đình công nhân khác đều khá giả lên trông thấy. Ngày ngày, chúng tôi lên đồi cao su chăm chút từng gốc cây, tỉa cành tạo tán để có được vườn cây đạt tiêu chuẩn như hôm nay. Công nhân Đội Hương Thủy chúng tôi rất phấn khởi và hy vọng vài năm nữa, khi cây cao su bắt đầu cho khai thác thì rừng cây cao su mà chúng tôi dày công chăm sóc qua 7 năm trời sẽ cho một nguồn thu nhập khá giả”.

Giám đốc Nông trường Hương Long Mai Văn Nguyên tự tin: Nông trường Hương Long có 133 công nhân và 80 hộ dân nhận khoán chăm sóc bảo vệ vườn cây, được chia thành 3 đội sản xuất với tổng diện tích cao su đứng đạt gần 1.000 ha. Dự tính đến năm 2015 Nông trường sẽ đưa vào khai thác 308 ha. Nhờ có giống tốt, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đất đai lại được chăm sóc đúng quy trình nên cây phát triển tốt, hy vọng khi bắt tay vào khai thác sẽ cho năng suất mủ đạt cao so với dự tính.

Tạm biệt Hương Thủy khi những mái nhà của từng cặp vợ chồng công nhân trẻ đã bắt đầu tỏa khói tinh khôi, như những dải lụa trong ngần. Cái màu trắng ấy, tựa như những dòng "vàng trắng" từ cây cao su tích nhựa căng tròn dâng cho đời.

Anh Bình
Báo Nông nghiệp Việt Nam