Nông dân hiểu hơn về trồng rau sạch

Nông dân hiểu hơn về trồng rau sạch
Sản xuất rau an toàn bảo vệ sức khỏe, làm thay đổi nhận thức của ND về hướng canh tác nông nghiệp bền vững... là những thay đổi sau 2 năm Dự án Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam.

 

Nông dân dạy nông dân

Ông Lê Minh Tuấn - Ban Kinh tế Hội ND Hà Tĩnh cho biết: Dự án là chương trình phối hợp giữa T.Ư Hội NDVN và Tổ chức Phát triển nông lâm Đan Mạch (ADDA) giai đoạn 2 được triển khai ở Hà Tĩnh từ đầu năm 2010. Theo đó, dự án đã mở lớp tập huấn sản xuất rau an toàn và hình thành các nhóm sản xuất sau khi ND học xong.

Để triển khai dự án, Hội ND Hà Tĩnh và Văn phòng dự án đã tuyển chọn 3 ND và 1 cán bộ hội ND tỉnh đưa đi đào tạo về kỹ năng sư phạm và kỹ thuật trồng, chăm sóc một số loại rau bằng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong thời gian 4 tháng. Sau khi đào tạo, số học viên này trở thành các tập huấn viên về giảng dạy cho các lớp huấn luyện ND.

Ruộng rau an toàn của gia đình anh Lê Trung Lĩnh ở xóm Kinh Bắc, xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh.

Sau 2 năm triển khai tại các xã như Thạch Bình, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Văn Yên (TP. Hà Tĩnh), dự án đã làm thay đổi tập quán của ND về trồng rau. Qua 22 lớp học được tổ chức (mỗi lớp trên 30 học viên, thời gian học 3 tháng), các học viên được phổ biến kiến thức trong việc sản xuất rau an toàn trên một số đối tượng cây trồng chính như bắp cải, cà chua, dưa chuột và đậu… Sau một thời gian ngắn đã hình thành 6 nhóm sản xuất rau an toàn với hàng trăm hội viên tham gia.

Ông Nguyễn Văn Trung- Trưởng nhóm sản xuất rau an toàn xã Thạch Hạ cho biết: Sau khi được tiếp cận dự án, ND vừa sản xuất vừa hướng dẫn cho các xã viên khác trong tổ, trong nhóm. Thực tế cho thấy, việc sản xuất rau an toàn không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn nâng cao năng suất rõ rệt so với sản xuất rau theo tập quán cũ.

Hướng tới canh tác bền vững

Ông Đặng Quốc Bồng -Trưởng nhóm sản xuất rau an toàn xã Thạch Bình nhận xét: “Ý nghĩa lớn nhất của dự án này là ND tham gia sản xuất được tiếp cận với một hướng canh tác mới, an toàn, chi phí đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Cụ thể như nhóm sản xuất rau an toàn của chúng tôi với 8 thành viên, vụ sản xuất thu đông 2011 năng suất bắp cải đạt 2.000 - 2.400kg/sào, đạt giá trị 7-12 triệu đồng/sào. Trong khi đó, các ruộng rau sản xuất theo tập quán cũ năng suất chỉ đạt 1.500 - 1.700kg/sào”.

Hội ND Hà Tĩnh đang phối hợp với Hội ND các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên mở các lớp huấn luyện ND trên các đối tượng cây rau thời vụ; đồng thời phối hợp với Tổ chức ADDA triển khai xây dựng đề án “Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Anh Lê Trung Lĩnh - Lớp trưởng sản xuất rau an toàn xóm Kinh Bắc, xã Thạch Hưng, cho biết:

Thông qua các lớp học, ND đã phân biệt được những loại sâu hại cây trồng, những con có lợi. Chúng tôi cũng nắm được kỹ năng kiểm tra đồng ruộng, từ đó đưa ra các quyết định bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho đúng.

Chúng tôi cũng chia sẻ, giúp đỡ các hộ ND chưa có điều kiện tham gia dự án, từng bước giúp thay đổi nhận thức cho người dân về canh tác nông nghiệp bền vững.