Sắc thắm vùng trà sơn
- Chủ nhật - 27/05/2018 07:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hàng chục năm đã trôi qua, mảnh đất "túi bom" ngày nào đã bừng lên những sắc màu trù phú. Vậy nhưng, ký ức của người già vẫn luôn hiện hữu những năm tháng khốc liệt một thời.
Ông Lâm Đức Chuân (thôn Thanh Mỹ, Thượng Lộc) nhớ lại: “Là khu vực trung chuyển của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam nên Thượng Lộc là địa bàn bị không quân Mỹ tập trung đánh phá theo hướng hủy diệt. Hố bom chồng chất hố bom, nhà cháy, người chết, làng xóm tiêu điều xơ xác. Là Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng công an xã nên ngoài việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương, tôi đã cùng với bà con nhân dân góp sức người, sức của để cùng với các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong bảo đảm giao thông đoạn quốc lộ 15 đi qua xã được thông suốt”.
Lịch sử Đảng bộ xã đã ghi lại những con số về thời kỳ ác liệt, nhất là giai đoạn năm 1968, trung bình mỗi ngày, giặc Mỹ ném bom 7 lần, có ngày chúng đánh 12 lần với khoảng 5.300 quả bom các loại. Những trận mưa bom dồn dập vào cầu cống, các tuyến đường, khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng người dân Thượng Lộc đã kiên cường bám trụ, góp sức bảo vệ an toàn mạch máu giao thông. Những ngôi nhà đã trở thành kho để lương thực, đạn dược, những bờ cây đã trở thành nơi ngụy trang che chắn cho những đoàn xe trên đường ra mặt trận.
Thời gian đã hàn gắn vết thương chiến tranh. Vùng đất lửa ngày nào đã bừng lên sức sống mới dưới bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của người dân Thượng Lộc.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn mẫu rộng 3.000 m2bạt ngàn cây trái, bà Hoàng Thị Hành ở thôn Sơn Bình cho biết: “Nơi đây trước kia là bãi bom B52 và những đồi chạc chìu, mua, móc. Thế nhưng, sau nhiều năm khai hoang phục hóa, đặc biệt là chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi bỏ vốn quy hoạch các vườn cây mang lại hiệu kinh tế. Cùng với nhiều loại cây ăn quả lâu năm như hồng, cam, bưởi, chúng tôi còn chăn nuôi và trồng thêm nhiều loại rau màu. Bình quân thu nhập từ vườn mỗi năm khoảng 150 triệu đồng”.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Chuân cho biết: “Xác định phát triển mũi nhọn cây ăn quả, đến nay, toàn xã có 220 ha cam, bưởi, trong đó phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi cũng đã xây dựng được thương hiệu cam, nhờ thế, sản phẩm được bao tiêu với giá ổn định. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện chủ trương mở rộng diện tích trồng cam mỗi năm từ 30 - 40 ha. Cùng với việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất đại trà, Thượng Lộc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm”.
Người dân Thượng Lộc tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới, làm giàu quê hương, nâng cao chất lượng đời sống. Với hơn 162 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân, năm 2017, Thượng Lộc đã vượt qua mọi khó khăn để đạt chuẩn NTM. Hiện nay, xã tiếp tục đầu tư củng cố vững chắc các tiêu chí.
Đi qua những mất mát đau thương, sức sống mới đang lan tỏa trong những ngôi nhà, khu dân cư ở Thượng Lộc.