Sơn Thọ mùa kết mật

Sơn Thọ mùa kết mật
Những ngày cuối năm, khi gió heo may mang từng cơn rét ngọt về trên cánh đồng, đấy là lúc mùa thu hoạch mía bắt đầu sau một năm ròng chăm bẵm công phu. Tiếng che kéo mật kẽo kẹt trên khắp xóm thôn; mùi hương dịu ngọt quyện trong làn khói lò sực nức trên từng mái lá. Làng nghề làm mật mía xã Sơn Thọ - Vũ Quang rộn ràng vào vụ.

 

Sơn Thọ mùa kết mật

Thu hoạch mía, chuẩn bị cho vụ mật phục vụ tết

Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cây cam bù và nghề nuôi ong lấy mật, hàng năm đem lại nguồn thu lớn cho người dân, xã Sơn Thọ - Vũ Quang còn được biết đến với làng nghề làm mật mía truyền thống, một sản phẩm không thể thiếu trong danh mục ẩm thực của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.

Nghề trồng mía hết sức vất vả, cực nhọc nhưng bao năm qua vẫn không hề bị mai một do sự phát triển của các nghề mới trên vùng đất này. Như một duyên nợ với các bậc tiền nhân, làng nghề mật mía truyền thống vẫn tiếp tục được lưu giữ và phát triển; nguồn mật ngọt đậm đà hương quê vẫn giữ được nét tinh tú đặc trưng bao đời của vùng đất Sơn Thọ.

Sơn Thọ mùa kết mật

Cả nhà quây quần bên che kéo mật

Có thể nói, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, dù công nghệ chế biến ngày một tân tiến, hiện đại thì nghề “kẹo mật” - như cách dùng từ một cách thô mộc của người dân Sơn Thọ vẫn luôn tồn tại; hương vị của sản phẩm mật mía cũng không thể thiếu trong danh mục ẩm thực của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong những ngày tết.

Không nhiều sản phẩm có giá trị sử dụng rộng rãi trong đời sống và trong văn hóa ẩm thực như mật mía: Mật dùng để làm kẹo lạc, nấu chè; mật dùng chấm bánh chưng và các loại củ có chất bột; dùng trong chế biến các món ăn; pha nước chè để uống làm tăng lực và chữa một số bệnh; mật còn dùng bồi bổ sức khỏe cho đàn gia súc để tăng sức kéo…

Những ngày cuối năm, khi gió heo may mang từng cơn rét ngọt về trên cánh đồng quê, đấy cũng là lúc mùa thu hoạch mía bắt đầu sau một năm ròng chăm bẵm công phu. Trời càng khô hanh, hàm lượng đường trong cây mía càng lớn và trải đều từ gốc đến ngọn.

Chúng tôi đến gia đình anh Phan Quốc Hội và chị Lương Thị Hương ở xóm 1, khi cả gia đình đang quây quần và tất bật trong trong sực nức mùi hương của “xưởng” làm mật mía.

Chị Hương tranh thủ cho biết: không chỉ vất vả trong quá trình trồng và chăm sóc cây mía, công việc “kẹo mật” cũng cực nhọc không kém và đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm để vận hành một quy trình kỹ thuật khắt khe. Mía nguyên liệu thu hoạch về, được ép che bằng sức kéo của trâu hoặc bò. Nước mía “thô” được đưa vào chảo cỡ lớn đun bằng củi, bắt đầu cho những công đoạn chính.

Sơn Thọ mùa kết mật

Công việc “kẹo mật”đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm để vận hành một quy trình kỹ thuật khắt khe

Để sản phẩm đạt yêu cầu, đầu tiên là phải canh lửa thật đều. Nếu lửa quá to sẽ dễ bị đóng đường xuống đáy chảo và dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì mất nhiều thời gian. Trong công đoạn nấu thô, phải thường xuyên dùng vợt vớt bọt bẩn nổi trên mặt nước. Khi nước hết bọt, sẽ được bắc ra lắng lọc nhiều lần để loại các tạp chất, chiết thành thứ nước mía hoàn toàn trong suốt.

Công đoạn cuối cùng là keo mật. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Người trực tiếp đứng bếp phải dùng sào tre đảo liên tục và đều tay. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có ánh vàng đỏ là được. Sản phẩm cuối cùng được bảo quản trong các chum sành hoặc đồ sứ.

Những ngày này, khi cả làng nghề rộn ràng làm mật, khách đến nhà được mời thưởng thức bát nước chè xanh pha với nước mía sắp thành mật đang sôi trên chảo, sẽ không bao giờ quên hương vị đặc trưng của nó.

Bao năm qua, sản phẩm mật của Sơn Thọ đã chiếm lĩnh được thị hiếu của người tiêu dùng gần xa bởi những nét đặc trưng của mình. Mật mía của Sơn Thọ thoạt nhìn có màu nâu đậm; khi rót sóng sánh gam màu vàng đỏ, trong và sáng; vị ngọt đậm và hương thơm sâu.

Theo nhiều người dân trong xã, sở dĩ chất lượng sản phẩm mật mía ở đây có sự vượt trội so với nhiều nơi khác, đó là ngoài lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, còn hàm chứa những bí quyết về kỹ thuật riêng từ khâu chăm sóc mía đến khâu nấu mật từ bao đời truyền lại.

Sơn Thọ mùa kết mật

Trong những ngày tết, lá mía và bã mía ép là nguồn thức ăn lý tưởng cho đàn trâu bò

Cùng với các lĩnh vực sản xuất khác, nghề làm mật mía đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở đây. Hiện nay với trên 700 hộ dân, xã Sơn Thọ có trên 70% số hộ tham gia trồng mía và làm mật. Tính bình quân, mỗi sào mía khi làm ra sản phẩm mật sẽ cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Sản phẩm phụ từ cây mía như: lá, đọt và bã mía ép được tận dụng làm nguồn thức ăn quý giá cho trâu bò trong những ngày đông giá.

Những ngày này, người dân khắp nơi đã tìm đến Sơn Thọ để mua mật chuẩn bị tết cho gia đình hoặc làm quà cho bạn bè, người thân. Với uy tín chất lượng của mình, mật mía Sơn Thọ - Vũ Quang thường có giá bán cao hơn sản phẩm ở các vùng khác và chỉ phục vụ tại chỗ, hoặc nhập cho các thương lái đem bán lẻ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Sơn Thọ mùa kết mật

Sản phẩm mật mía Sơn Thọ là món quà quý trong những ngày tết

Mặc dù hiện tại, nghề trồng mía làm mật ở Sơn Thọ đang có một chỗ đứng khá vững chắc, nhưng theo như ông Phạm Văn Lạc - Phó chủ tịch UBND xã thì, trong tương lai nghề làm mật truyền thống có bị mai một hay không, sẽ không thể nói trước được điều gì nếu ngay từ bây giờ không có một chiến lược cho phát triển cây mía.

Cũng theo ông Lạc, thời gian tới, bên cạnh phát huy nội lực của địa phương và nhân dân, xã sẽ có những đề xuất với huyện và tỉnh có những chính sách thỏa đáng cho phát triển làng nghề. Về lâu dài, sẽ từng bước xây dựng cho được một thương hiệu. Có như vậy, sản phẩm mật mía Sơn Thọ mới có sự phát triển bền vững và giữ mãi được uy tín chất lượng vốn có của mình.

Tiến Thành
Theo baohatinh.vn