Thạch Hà gắn luân chuyển cán bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Thứ tư - 11/10/2017 18:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo huyện Thạch Hà kiểm tra việc thực hiện chương trình nông thôn mới tại xã Việt Xuyên.
Thạch Khê là xã thuộc diện khó khăn, đội ngũ cán bộ thiếu thống nhất. Đó cũng là lý do sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM, đến năm 2015, ở địa phương này vẫn chỉ ì ạch “bén” đích dưới 10 tiêu chí. Sau khi xác định nguyên nhân, tình hình cụ thể, BTV Huyện ủy Thạch Hà quyết định luân chuyển đồng chí Phạm Tiến Nam - Bí thư Huyện đoàn về làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã phù hợp tình hình thực tế.
“Ngày đầu về nhận nhiệm vụ mới ở một xã nằm trong tốp cuối của huyện với bộn bề công việc, gánh trên vai trọng trách mà BTV Huyện ủy giao phó, tôi đã quyết tâm cùng tập thể lãnh đạo xã tìm hướng tháo gỡ. Điều đầu tiên mà tôi quan tâm đó là phải nâng cao sức chiến đấu trong Đảng, khơi dậy được sức mạnh của toàn dân. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tạo được sự thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ phải “thuộc bài”, phải nắm vững chủ trương, chính sách, gần dân, học trong dân. Các quyết sách đưa ra đều được bàn bạc kỹ trong Thường vụ Đảng ủy và tập trung làm bằng được. Dần dần, người dân tin vào đội ngũ cán bộ, chung tay xây dựng quê hương không ngừng phát triển, đưa địa phương cán đích NTM vào cuối năm 2016…” – Bí thư Đảng ủy xã Phạm Tiến Nam chia sẻ.
Khác với Thạch Khê, ở xã Thạch Thắng, Thạch Lâm, qua kiểm tra, giám sát, phát hiện cán bộ chủ trì năng lực hạn chế, trì trệ, không đáp ứng yêu cầu, BTV Huyện ủy quyết định bố trí làm việc khác, đồng thời, cho cơ sở giới thiệu nhân sự tại chỗ, lấy phiếu tín nhiệm mở rộng, tìm ra người đứng đầu thay thế phù hợp. Chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ thay thế đã khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, đưa địa phương phát triển ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Bá Hà cho biết: Trong những năm qua, công tác luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở ở Thạch Hà được thực hiện một cách bài bản, thận trọng, không chạy theo phong trào. Với phương châm thiết thực và hiệu quả, ổn định để phát triển, BTV Huyện ủy xem xét, cân nhắc chọn những cán bộ trẻ, có năng lực về làm chủ trì những địa phương còn khó khăn, hạn chế về cán bộ, nội bộ thiếu thống nhất...
Qua đó, không chỉ giúp địa phương phát triển mà còn góp phần đào tạo cán bộ. Từ năm 2010 đến nay, Thạch Hà đã luân chuyển 11 cán bộ huyện về giữ các chức vụ chủ chốt tại cơ sở (4 bí thư đảng ủy, 6 chủ tịch UBND, 1 phó bí thư thường trực đảng ủy). Tất cả cán bộ luân chuyển đều phát huy tốt năng lực, tổ chức lãnh đạo các xã phát triển một cách bền vững. Trong số 11 xã có cán bộ huyện tăng cường, có 3 xã đã về đích NTM, 3 xã dự kiến về đích vào cuối năm nay, 5 xã còn lại đều đạt trên 15 tiêu chí và dự kiến sẽ về đích trong năm 2018 và 2019.
Công tác luân chuyên cán bộ còn được thực hiện một cách thận trọng, hiệu quả giữa các khối đảng - chính quyền - đoàn thể, tạo điều kiện để rèn luyện cán bộ qua các môi trường công tác. Ngoài luân chuyển cán bộ về xã, 7 năm qua, Thạch Hà còn thực hiện luân chuyển 57 lượt cán bộ trong khối Đảng, chính quyền, đoàn thể. Hầu hết cán bộ luân chuyển đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác ngày càng được nâng cao.
“Công tác luân chuyển cán bộ ở Thạch Hà đã đạt được những kết quả nhất định. Cán bộ luân chuyển được đào tạo, rèn luyện, kinh qua nhiều vị trí công tác đã và đang trưởng thành một cách toàn diện hơn, đồng thời, giúp cho các đơn vị cơ sở vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, tư tưởng cục bộ, địa phương. Nhiều nơi từ đơn vị yếu, sau khi có cán bộ luân chuyển đã vươn lên, đạt đơn vị trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu, về đích NTM trước thời hạn, cụ thể như: Thạch Khê, Thạch Long, Phù Việt...” - Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân khẳng định.
Đồng hành với việc luân chuyển cán bộ, Thạch Hà đã gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thông qua các kênh: Đối thoại trực tiếp với dân, kiểm tra, giám sát... khi phát hiện cán bộ có dấu hiệu yếu kém, trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm, mất đoàn kết... đi cùng với tìm cán bộ thay thế là chỉ ra những thiếu sót, yếu kém của cán bộ bị thay thế. Hướng khắc phục khuyết điểm, nhẹ thì ấn định thời gian sửa chữa, nặng thì luân chuyển đến vị trí công tác khác, có thể trong địa phương hoặc điều động lên huyện để đào tạo lại, bồi dưỡng, giáo dục thêm.
Điển hình như Bí thư Đảng ủy xã Việt Xuyên mới đây được điều lên công tác tại Ban Tổ chức Huyện ủy làm cán bộ, đồng thời, luân chuyển đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy về làm Bí thư Đảng ủy xã; đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Vĩnh; kỷ luật công chức địa chính xã Thạch Lâm...
Từ năm 2010 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra 2 cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 1.962 tổ chức đảng và 1.933 đảng viên; qua đó, phát hiện và xử lý kỷ luật 4 tập thể, 1.933 đảng viên vi phạm. Qua kiểm tra, giám sát, giúp các tổ chức đảng, đảng viên và người đứng đầu phát huy ưu điểm, chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm, khuyết điểm, hạn chế; phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đảm bảo tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Theo Văn Lý/baohatinh.vn