Thạch Sơn tận dụng tối đa lợi thế về thủy sản để tăng trưởng
- Chủ nhật - 05/04/2015 21:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nuôi cá lồng bè là một trong những thế mạnh của xã Thạch Sơn. |
Bằng sự đoàn kết, nỗ lực của từng cán bộ, đảng viên và người dân, kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, quê hương Thạch Sơn đã có một diện mạo mới: kinh tế tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội phát triển; QPAN được giữ vững; chính trị ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Một trong những dấu ấn trong nhiệm kỳ là Đảng bộ và nhân dân xã đã tận dụng tối đa lợi thế về sông ngòi, ao hồ để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Theo đó, với diện tích mặt nước sông, hồ… rộng trên 200 ha, sau dự án ngọt hóa sông Nghèn đã hình thành 2 vùng nuôi ngọt và mặn lợ. Phía ngọt hóa được nuôi trồng 50 ha. Vùng hạ du nuôi trồng nước mặn 23 ha. Đáng kể nhất là việc tập trung phát triển nuôi cá lồng bè. Từ 2 lồng năm 2010, đến cuối năm 2014, số lồng bè đã tăng lên 164. Hiện xã có 2 HTX nuôi trồng thủy sản có kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển từ nuôi quảng canh truyền thống sang nuôi thâm canh năng suất cao. Đối tượng nuôi cũng được mở rộng. Từ cá chẽm, tôm…, các hộ nuôi đã bổ sung cá hồng mỹ, mú và sắp tới là cá hối, cho thu nhập cao.
Cùng với nuôi trồng, việc khai thác, đánh bắt trên sông, biển cũng được xã và các hộ nuôi quan tâm, mang lại thu nhập đáng kể. Hiện tại, thôn Sông Hải đã có 6 tàu đánh bắt thủy sản trên biển. Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng đạt 300 tấn (tăng 50 tấn so với kế hoạch), thu về 22 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 60% kinh tế nông nghiệp. 300/1.400 hộ trong xã tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, để đạt được mục tiêu đề ra: ổn định nuôi cá lồng bè; tăng diện tích nuôi tôm thâm canh; khuyến khích đánh bắt xa bờ…, Đảng ủy, UBND xã Thạch Sơn đã có định hướng và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, về nuôi trồng mặn, lợ, xã sẽ triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao 20 ha ở vùng Hà Lầm, đưa diện tích nuôi lên 35 ha. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được giao cho các hộ dân và thành lập một HTX nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Về vùng nước ngọt, vận động các hộ nuôi cải tạo ao hồ, nâng diện tích nuôi lên 50 ha. Sản phẩm thủy sản chủ lực của địa phương trong thời gian tới, ngoài cá chẽm là hồng mỹ, mú, hối, tôm.
Bên cạnh đó, xã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đóng mới 5-10 thuyền đánh bắt trên biển, công suất lên đến 90 CV, nhằm đưa sản lượng đánh bắt lên 96 tấn/năm. Về nguồn vốn, cùng với vốn tự có của các hộ nuôi là chính, xã sẽ tranh thủ thêm nhiều nguồn khác như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngân hàng… Cùng với đó, xã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn các cấp tổ chức tập huấn kỹ thuật; chuyển giao, ứng dụng công nghệ; tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tìm giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương…
Tin rằng, với những giải pháp trên, giá trị sản xuất ngành thủy sản của xã đến năm 2020 sẽ đạt 47,18 tỷ đồng (trong đó: đánh bắt 2,88 tỷ đồng; nuôi trồng mặn 11,82 tỷ đồng; nuôi ngọt 3,68 tỷ đồng; nuôi cá lồng 28,8 tỷ đồng), chiếm 70% tỷ trọng kinh tế nông nghiệp.
Phát huy những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Thạch Sơn một lòng chung sức, nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng xã anh hùng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ, nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XIX đề ra.
Nguyễn Hữu Niêm
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạch Sơn