Thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở Kỳ Anh
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Kỳ Anh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã và đang hình thành, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Anh
Bà con nhân dân xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh hiến đất, cây mở đường giao thông nông thôn

Ông Lê Mã Lương - Phó Văn phòng điều phối NTM Kỳ Anh chia sẻ: Là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, Kỳ Anh xác định xây dựng NTM phải bắt đầu từ người dân, vì vậy huyện chú trọng công tác tuyên truyền để cho người dân hiểu rằng xây dựng NTM phải bằng nội lực của chính mình. Theo đó, huyện đã đưa nội dung các văn bản hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng NTM đến với người dân thông qua các buổi sinh hoạt từ cơ sở. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các thành viên BCĐ, VPĐP xây dựng NTM huyện đặc biệt là đội ngũ Bí thư, Chủ tịch và thành phần cốt cán của các xã, là lực lượng có vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chương trình. Điều ghi nhận là từ nhận thức đã trở thành những hành động thiết thực, phong trào xây dựng NTM đã phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng khắp.

Xác định công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho tiến trình xây dựng NTM, huyện đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, 31/31 xã của huyện Kỳ Anh đã được phê duyệt Đồ án quy hoạch NTM, 26/31 xã được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo Thông tư 13. Tất cả các xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh cũng cơ bản hoàn thành việc xây dựng Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển sản xuất. Theo đó, 100% các xã đã tiến hành triển khai cắm mốc quy hoạch và có 19 xã đã cơ bản hoàn thành công tác cắm mốc các tuyến giao thông. Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã cắm mốc chỉ giới được 1.084,5 km, trong đó đường trục xã: 162,23 km, đường trục thôn: 273,4 km, đường liên gia: 492,14 km, đường trục chính nội đồng: 156,73 km.

Trên cơ sở Đề án xây dựng nông thôn mới, các xã đã bám sát các tiêu chí theo kế hoạch đề ra phải hoàn thành trong các năm để tập trung chỉ đạo, tiến hành lựa chọn các công trình thiết yếu, sát thực với tiêu chí cần đạt được theo kế hoạch năm để triển khai thực hiện. Cho đến thời điểm này, toàn huyện có 1 xã đạt 11 tiêu chí; 1 xã đạt 10 tiêu chí; 2 xã đạt 9 tiêu chí; 6 xã đạt 8 tiêu chí; 5 xã đạt 7 tiêu chí; 6 xã đạt 6 tiêu chí; 2 xã đạt 5 tiêu; 7 xã đạt 4 tiêu chí và 1 xã đạt 3 tiêu chí.

Cùng với đó, phong trào "Hiến đất, hiến cây, góp công, góp của để mở đường giao thông xây dựng nông thôn mới" thực sự trở thành phong trào thi đua được nhân dân đông tình, tích cực tham gia và đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Các thôn, xã tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân thảo luận dân chủ, công khai, tập trung nguồn lực xây dựng các công trình giao thông. Ngoài nguồn vốn ngân sách của tỉnh và huyện, các xã đã vận động nhân dân đóng góp nhiều ngày công lao động, hiến đất mở đường. Đến nay, toàn huyện đã có 241,89 km đường giao thông nông thôn được giải phóng mặt bằng, mở rộng theo chuẩn NTM, số diện tích đất được nhân dân hiến để mở đường là 468.038 m2...

Thực hiện Đề án phát triển sản xuất, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay có hiêu quả tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây dựng 590 mô hình sản xuất, thành lập thêm 22 hợp tác xã, 9 tổ hợp tác, 164 công ty, doanh nghiệp. Được biết, trong số đó có nhiều mô hình quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, tạo thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng và lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Về trồng trọt, đáng chú ý là mô hình trồng rau sạch ở xã Kỳ Hoa do HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp Hoa Văn thực hiện trên diện tích 5 ha với các giống rau, dưa hấu, bí xanh..., trong đó có 3 ha chuyên canh 4 vụ/năm, đạt doanh thu từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Mô hình này tăng thêm thu nhập cho các xã viên khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh với phát triển các mô hình trồng trọt, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi vì đây là ngành kinh tế phù hợp với nhiều gia đình nông thôn. Cho đến thời điểm này, toàn huyện có 414 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp với bể biogas có quy mô từ 10 -30 con; 22 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con; 45 mô hình nuôi lợn rừng, nhím; 4 mô hình nuôi hươu sinh sản, lấy nhung... Đạt hiệu quả cao tiêu biểu phải kể đến mô hình nuôi lợn giống, lợn thương phẩm tại HTX Chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp Hoàng Châu ở xã Kỳ Bắc do Công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh cung cấp con giống, thức ăn và chỉ đạo kỹ thuật, HTX Hoàng Châu xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại và đảm trách chăn nuôi. Hiện đã có 50/350 con nái sinh sản đợt đầu, hơn 700 con lợn thịt thương phẩm trong thời kỳ tăng trưởng có trọng lượng từ 90 - 100kg.

Bài học thành công ở Kỳ Anh trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cơ sở, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay hiệu quả, huyện đã có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn có tính khả thi cao, đến được với đại bộ phận người dân. Những kết quả bước đầu này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho huyện Kỳ Anh về đích đúng thời hạn đã đề ra.

 
Theo baohatinh.vn