Thoát nghèo nhờ nghề đan chổi đót ở Thạch Mỹ

Thoát nghèo nhờ nghề đan chổi đót ở Thạch Mỹ
Nghề làm chổi Đót tại làng Hà Ân xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã có từ lâu. Cũng như bao làng nghề khác, làng Hà Ân đã dày công xây dựng, tạo nên danh tiếng cho nghề...


Người dân địa phương tranh thủ thời gian rảnh rỗi đề làm nghề đan chổi 

Hiện tại làng có khoảng 209 lao động chính làm nghề chổi đót, quân bình 2 lao động/hộ, người lao động có tay nghề cao nhưng chủ yếu là tự học và do cha ông truyền lại, thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, làng nghề chổi đót Hà Ân còn xuất sản phẩm đến những miền xa xôi hơn như Lào, vùng trong nước như Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng… sản phẩm làm ra được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong cả nước.

Đến làng nghề chổi đót Hà Ân đâu đâu cũng thấy người đan chổi, già, trẻ, lớn, bé đều làm chổi. Cũng không ai biết nghề làm chổi đót có từ bao giờ và du nhập vào làng bằng cách nào, chỉ biết rằng những người lớn tuổi truyền đạt lại. Những người nông dân sản xuất, sau thời gian rỗi họ lên núi Hồng Lĩnh, Thạch Hương, Thạch Điền thu cây đót phơi khô bó thành bó đưa về, dưới bàn tay lao động họ biến ra những cây chổi. Không khí làm việc luôn nhộn nhịp rôm rã tiếng nói cười.

Nghề làm chổi đót không đòi hỏi trình độ cao, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhỏ thì bóc tách đót, người lớn thì vót mây, bện chổi. Bởi vì chổi được làm thủ công, những người cần cù khéo léo cẩn thận một chút là đã cho ra đời sản phẩm. Nghề có thể tận dụng tối đa mọi thời gian khi trò chuyện hay lúc rảnh rỗi. 

Với bà con nông dân ở đây, từ người già đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng quê này đều biết làm nghề chổi đót. Thường đót được bà con thu mua,khai thác vào cuối năm, dự trữ sản xuất quanh năm.

Qua đánh giá cũng như khảo sát thị trường thì đây là ngành phụ nhưng lại cho thu nhập khá cao, đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân địa phương. Bởi n
hững năm gần đây, nghề đan chổi đót đã phát triển mạnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, đã góp phần thay đổi bộ mặt của Hà Ân, cuộc sống của chị em phụ nữ thay đổi rất nhiều, tạo việc làm cho nhiều người có thu nhập thêm.

Những năm gần đây, với nhiều chính sách của tỉnh, huyện về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, nghề làm chổi đót lại có điều kiện mở rộng sản xuất, dân làng Hà Ân phải sang tận nước bạn Lào khai thác và thu mua đót, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương vầ nâng cao thu nhập.

Các loại sản phẩm chổi đót được sản xuất ra như chổi quét nhà, chổi quét bàn thờ, chổi chà tường, đót sơ chế. Với hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình với phương pháp thủ công nên nghề truyền thống của địa phương này đã được gìn giữ. Nhưng nếu biết áp dụng máy móc công nghệ cao vào chế biến đót, sản xuất chỏi đót và các sản phẩm từ cây đót thì làng nghề Hà Ân mới hòa vào bối cảnh kinh tế thị trường, giữ vững thương hiệu làng nghề truyền thống.
Theo Diệp Thuần/phuongnamplus.vn