Trồng mướp đắng cho thu nhập cao

Trồng mướp đắng cho thu nhập cao
Trong những năm gần đây, cây mướp đắng đang trở thành một trong những loài cây trồng chủ lực giúp người dân thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) mang lại thu nhập cao, ổn định. Cây mướp đắng đã được người dân nơi đây đánh giá là loại cây dễ trồng, đầu tư không nhiều, ít sâu bệnh mà lại cho năng suất và hiệu quả cao.
 
Ông Nguyễn Văn Trung là một trong những hộ gia đình đã trồng mướp đắng nhiều năm nay cho biết: Năm nay, ông sử dụng 1000m2 đất vườn của gia đình để trồng cây mướp đắng, sản lượng ước tính vụ mướp đắng này gia đình thu hoạch 4,5 tấn quả. Với giá bán đầu mùa từ 17-20 ngàn đồng/kg và giữa mùa từ 5-7 ngàn đồng/kg, hiện nay 4 ngàn đồng/kg; sau khi trừ chi phí cho thu nhập 35 triệu đồng, cao hơn so với trồng các loại màu khác. Ông Trung cho biết thêm nhờ có thu nhập từ mô hình trồng cây mướp đắng mà cuộc sống gia đình ông cũng như nhiều gia đình trong thôn giờ đây đã dần ổn định, một số gia đình đã thoát nghèo và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Mô hình trồng mướp đắng của hộ ông Nguyễn Văn Trung cho thu nhập trên 35 triệu đồng/năm

Thôn Tân An, xã Cẩm Bình có 197 hộ gia đình có tới 80 hộ gia đình trồng cây mướp đắng. Cây mướp đắng được các hộ gia đình trong thôn chọn trồng từ nhiều năm nay, vì đây là loại cây màu dễ trồng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi ông Nguyễn Xuân Tòng, thôn trưởng thôn Tân An cho biết: Để mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh nên sử dụng phân chuồng hoai mục, bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn, thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa. 

Trồng mướp đắng tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân ở Cẩm Bình

Với thành công của mô hình trồng cây mướp đắng trong vườn hộ, hiện nay trên địa bàn xã Cẩm Bình đã có nhiều thôn như: Nam Lý, Bình Minh, Bình Luật... triển khai trồng cây mướp đắng. Đây thực sự là một loại cây màu giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đồng thời giúp tăng cường tính đa dạng trong cơ cấu cây trồng của xã.

Tuy nhiên, việc trồng cây mướp đắng của người nông dân chủ yếu vẫn mang tính tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, kiến thức, nguồn giống nên năng suất và chất lượng cây trồng vẫn chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, nhu cầu và giá cả không ổn định. Đây chính là nguyên nhân khó khăn cho việc mở rộng diện tích trồng mướp đắng trên địa bàn các xã ở huyện Cẩm Xuyên.

Thiết nghĩ, các ban ngành cấp huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Bình hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân ở thôn Tân An thành lập các Tổ hợp tác, HTX nhằm giúp nhau trong sản xuất, xây dựng thương hiệu về sản phẩm, liên kết với các siêu thị ở thành phố Hà Tĩnh có như vậy mới có thị trường ổn định, từ đó giúp cho người sản xuất bền vững và hiệu quả cao.
 
Ngô Thắng