Vũ Quang phát triển trang trại

Vũ Quang phát triển trang trại
Với vị trí là điểm giao nhau giữa 3 huyện, có đường Hồ Chí Minh đi qua, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) từng bước tạo ra các vùng liên kết SX nông nghiệp đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện đã quy hoạch SX tập trung với 22 vùng với tổng diện tích 822 ha tại 9 xã, trong đó các xã Đức Hương, Đức Liên, Sơn Thọ, Ân Phú, Đức Bồng phát triển chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều trang trại quy mô lớn theo hướng liên doanh, liên kết với DN.

Hiện tổng đàn lợn lưu chuồng của huyện đạt từ 16.534 con, trong đó có trên 6.000 con nuôi theo hướng liên kết. Từ 2011 - 2012 toàn huyện xây dựng được 318 mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 20 - 600 con, trong đó 12 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô từ 300 - 1.200 con (liên kết với Cty CP và Cty Khoáng sản -Thương mại Hà Tĩnh).


Một trang trại lợn ở Vũ Quang

Ngoài phát triển chăn nuôi lợn, Vũ Quang còn có tổng đàn trâu bò 11.877 con, đàn gia cầm 159.745 con, hươu sao trên dưới 1.000 con... Nhờ lợi thế là huyện miền núi có vườn quốc gia, Vũ Quang còn phát triển nghề nuôi ong với trên 4.000 đàn.

Trang trại của anh Nguyễn Đức Thuật ở thôn Đồn Thượng, xã Đức Liên tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết với Cty CP. Anh Thuật cho biết: “Được sự hỗ trợ về giống, thức ăn cũng như tư vấn kỹ thuật gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn với diện tích 3,5 ha, quy mô 600 con. Đến tháng 8 năm nay sẽ xuất chuồng lứa đầu tiên, ước tính tổng thu 150 - 180 triệu đ/lứa.

Để gây dựng mô hình này gia đình tôi nhận được tỉnh, huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, được vay nguồn ưu tiên từ Quyết định 26 của Chủ tịch UBND tỉnh 350 triệu. Do áp dụng tốt TBKT nên việc chăn nuôi rất khả thi. Trong năm tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên 1.200 con, xuất 2 lứa/năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Tân Chủ tịch UBND huyện Hà Văn Trọng cho biết, Vũ Quang có tổng diện tích cây ăn quả đạt 1.100 ha trong đó cây có múi 637 ha, số còn lại nông dân chủ yếu phát triển cam Bù, cam Chanh, cam đường, bưởi… Nhiều hộ ở các xã Đức Bồng, Đức Giang, Đức Hương, Sơn Thọ thu nhập từ cây ăn quả đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.

"Thời gian tới huyện tiếp tục phát triển theo hướng liên kết tại 5/22 vùng đã quy hoạch để vừa chăn nuôi vừa trồng cây ăn quả, trong đó tăng diện tích cây có múi đạt 1.300 ha vào 2015… Việc xây dựng các mô hình liên doanh liên kết SX hàng hóa đang tạo đà để Vũ Quang thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM về đích sớm", ông Trọng nói.

Đoàn Loan
Báo Nông Nghiệp  Việt Nam