Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.
 
Ảnh minh họa

Theo đó, người trực tiếp làm dịch vụ tư vấn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học; người trực tiếp làm dịch vụ phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật theo quy định.

Khi thực hiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật phải có sổ ghi chép, theo dõi nội dung liên quan đến hoạt động của người thực hiện và người sử dụng dịch vụ; trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với hoạt động như dụng cụ phát hiện sinh vật gây hại (đối với hoạt động tư vấn phòng chống sinh vật gây hại thực vật) hoặc dụng cụ phun rải thuốc, bẫy bả, dụng cụ bắt, diệt sinh vật gây hại thực vật, bảo hộ lao động (đối với hoạt động phòng chống sinh vật gây hại thực vật).

Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật phải có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng để có thể liên hệ khi cần thiết. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật cần có một trong những giấy tờ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhà gắn liền với đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; hợp đồng thuê nhà hợp pháp có thời hạn tối thiểu là 01 năm hoặc sổ hộ khẩu (đối với cá nhân).

Việc thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật phải sự đồng ý của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ giao dịch hợp pháp theo mẫu quy định.

Thông tư cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền: Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo thỏa thuận hợp đồng ký kết với chủ thực vật hoặc đại diện của chủ thực vật; tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại...

Về nghĩa vụ, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ: Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc bốn đúng; sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng quy định; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do tư vấn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật không đúng quy định...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

Theo Lan Phương/baochinhphu.vn