"Vàng trắng" gặp khó, Cao su Hương Khê xin trồng 840 ha keo nguyên liệu
- Thứ năm - 08/11/2018 02:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không phá vỡ quy hoạch cao su hiện có
Do khủng hoảng kinh tế nên từ năm 2015 đến nay, giá mủ cao su sụt giảm và luôn giao động ở mức thấp. Trước tình hình đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có chủ trương tiết giảm đầu tư và tìm kiếm phương án đầu tư hiệu quả.
Không nằm ngoài “vòng xoáy” của thị trường, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cũng đối mặt với bộn bề khó khăn. Song, bám sát các chủ trương, kế hoạch của tập đoàn, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng dự án trồng 840 ha keo nguyên liệu trên diện tích cao su đã thanh lý và ngưng đầu tư. Đến nay, dự án đã được Tập đoàn thỏa thuận phê duyệt; UBND tỉnh giao Sở NN& PTNT cùng các ngành liên quan phối hợp với Công ty triển khai các phương án giải quyết.
Ông Trần Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cao su Hương Khê cho biết: “Chuyển đổi sang trồng keo nguyên liệu một chu kỳ (5 – 6 năm) là phù hợp với thực trạng đối với một số diện tích vườn cao su kém hiệu quả do mật độ cây hữu hiệu quá thấp (ảnh hưởng của bão, lũ, rét đậm, rét hại năm 2015 trở lại đây). Đặc biệt, đây là dự án khả thi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong điều kiện thực tế hiện nay mà không phá vỡ quy hoạch cao su đã dày công xây dựng”.
Trong quá trình nghiên cứu kỹ thị trường và khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, cây keo nguyên liệu được Công ty Cao su Hương Khê “chọn mặt gửi vàng”. Theo đó, vùng dự án có 2 nhóm đất chính gồm đất xám ferallit phát triển trên đá phiến thạch sét và đá biến chất với diện tích khoảng 620 ha; đất phát triển trên đá sa thạch có diện tích gần 220 ha.
Qua nghiên cứu thành phần cơ giới, hàm lượng mùn, kết cấu đất…, đối chiếu với yêu cầu thổ nhưỡng của cây keo thì những nhóm đất này đều thích hợp. Trồng keo trên những diện tích đất này sẽ đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất khả quan và phù hợp với đề án tái cấu trục ngành nông nghiệp của tỉnh
Hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội
Theo dự án được lập, Công ty sẽ triển khai dự án theo 2 hình thức là đơn vị tự tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn từ các ngân hàng thượng mại và các tổ chức, cá nhân khác. Dự kiến, trong 840 ha keo, doanh nghiệp sẽ thực hiện trồng tập trung với diện tích 588 ha; hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện trồng 252 ha.
“Theo phân tích kinh tế, tổng mức đầu tư cho dự án trồng 840 ha đạt hơn 54 tỷ đồng, suất đầu tư cho 1 ha trồng keo với chu kỳ 5 - 7 năm là 64.285.000 đồng; lợi nhuận dự án còn lại sau thuế là 6,5 tỷ đồng" – Tổng Giám đốc Trần Thanh Trà làm phép tính nhanh.
Đặc biệt hơn, hiệu quả về mặt môi trường của dự án được đánh giá khá cao. Theo đó, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo vệ vốn rừng hiện có, đưa các loại đất vào sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tăng độ che phủ rừng nhằm phát huy chức năng phòng hộ, tăng khả năng sinh thủy, điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn đất, góp phần bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng và sản phẩm từ cây keo cũng góp phần thay thế gỗ tự nhiên để hạn chế nạn phá rừng lấy gỗ.
Hiệu quả quan trọng nhìn thấy rõ của dự án là đảm bảo về mặt đời sống xã hội của đông đảo người lao động gồm cả công nhân của công ty và một số lao động nhàn rỗi của địa phương vùng sâu, xa trong vùng dự án. Điều này phát huy tay nghề, kinh nghiệm làm lâm nghiệp của những người sống gắn bó với rừng lâu nay...
Theo baohatinh.vn
Ngày 20/6/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số: 3592/UBND-NL3giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về đề xuất của Công ty Cao su Hương Khê. Để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị Công ty sớm hoàn tấttrình tự thuê đất trình UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với chính quyền địa phương 2 huyện (Hương Khê, Vũ Quang) rà soát lại diện tích dự kiến xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có ý kiến bằng văn bản gửi Sở NN&PTNT; đồng thời hoàn tất các thủ tục pháp lý và có đề án chuyển đổi cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt.