“Né” dịch tả lợn Châu Phi, Thạch Hà giảm đàn lợn, tăng đàn trâu bò và gà
- Thứ bảy - 07/12/2019 08:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội nghị triển khai Đề án tái cơ cấu chăn nuôi vừa được huyện Thạch Hà tổ chức
Là một trong những hộ chuyển hướng chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Bình Dương, Thạch Hội) chia sẻ: “Kinh tế của cả gia đình đều phụ thuộc vào chăn nuôi nên tôi không đành lòng nhìn chuồng trại bị bỏ trống. Qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng và được cán bộ phòng nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn, tôi quyết định chuyển hướng sang nuôi gia cầm. Đây cũng là sự khởi đầu mới cho kế hoạch dài hạn của gia đình khi tái đàn chăn nuôi lợn còn nhiều khó khăn”.
Mô hình gà thả của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Thạch Hội) với quy mô 1000 con mang lại niềm hy vọng mới cho gia đình trong bối cảnh tái chăn nuôi lợn còn nhiều khó khăn
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, lây lan trên diện tích rộng (ngày 5/7/2019), tổng đàn lợn trên địa bàn Thạch Hà giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 39 nghìn con, bằng 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái; giảm gần 1,6 hộ nuôi so; giảm 18 cơ sở chăn nuôi tập trung.
Trong khi đó, tổng đàn trâu bò và gia cầm tăng nhẹ; trong đó, trâu bò đạt hơn 29 nghìn con, bằng 103,2% cùng kỳ; gà gần 1 triệu con, bằng 105,5% so với năm 2018.
Dự báo sau dịch tả lợn châu Phi, trong vòng 2 - 3 năm tới, chăn nuôi lợn khó phục hồi và phát triển, huyện Thạch Hà đã ban hành đề án chuyển đổi tái cơ cấu chăn nuôi.
Lực lượng chức năng huyện Thạch Hà tiến hành tiêu hủy số lợn dịch, tránh lây lan bùng phát
Theo đó, đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn duy trì hơn 35 nghìn con, giảm 9,6% so với năm 2019; tổng đàn trâu bò 32,3 nghìn con, tăng 11,3%; tổng đàn gia cầm 1,7 triệu con, tăng 24,2%.
Cùng đó là chuyển đổi 260 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi gà thả vườn tại Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Trị... với quy mô từ 500-2.000 con/lứa; chuyển đổi 160 hộ nuôi lợn nhỏ lẻ sang nuôi trâu bò với quy mô 3 - 5 con/lứa.
Thạch Hà sẽ chuyển đổi 260 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi gà thả vườn tạicác xã vùng bãi ngang
Khuyến khích xây dựng các mô hình chăn nuôi theo THT, HTX có liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
Sau 3 ngày ban hành đề án, tính đến thời điểm này, đã có 40 hộ trên toàn huyện chuyển đổi mô hình chăn nuôi lợn sang bò, gà. Trong đó, Thạch Tân là địa phương dẫn đầu khi có đến 17 hộ (14 hộ chuyển nuôi gà, 3 hộ nuôi bò); xã Thạch Hội có 10 hộ chăn nuôi gà; Phù Việt 10 hộ chăn nuôi bò và một số hộ đăng ký chuyển đổi ở các địa phương còn lại.
Chủ tịch UBND xã Phù Việt Trần Hữu Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tích cực đôn đốc bà con chuyển hướng nuôi bò, đặc biệt là bò Zebu. Theo đó, 10 hộ dân của thôn Trung Tiến đăng ký triển khai đã được chúng tôi tổ chức tham quan tại xã Tùng Lộc (Can Lộc). Chính quyền xã cũng tích cực kêu gọi các chính sách hỗ trợ cho người dân mua bò laisind để tạo bò nền nhằm đáp ứng yêu cầu chăn nuôi trong điều kiện hiện nay”.
“Nhằm nâng cao hiệu quả đề án, sắp tới, Thạch Hà tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, công tác khuyến nông trong sản xuất chăn nuôi; tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi liên kết và có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người dân”, Trưởng phòng NN&PTNT Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu khẳng định.
Theo Thùy Dương/baohatinh.vn