Hà Tĩnh: Nuôi theo VietGAP giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm mật ong Vũ Quang
- Thứ ba - 28/05/2019 06:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Thìn là hội viên Hội Nuôi ong xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang. Ông đã có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong. Trước đây chỉ khi nào chuẩn bị khai thác mật thì ông mới mở thùng ong để kiểm tra cầu ong đạt trữ lượng mật như thế nào. Có những lúc thùng ong không có mật hoặc mật ít đã gây ra những xáo trộn, bởi khi đó khai thác thì không được bao nhiêu mà đóng lại để nuôi tiếp thì đàn ong sẽ không còn chịu làm tổ. Để khắc phục tình trạng này, các thùng ong của gia đình giờ đây đều được đánh số hiệu riêng, giúp ông Thìn không bị nhầm lẫn trong quá trình chăm sóc cho khoảng 40 đàn ong của mình. Hàng ngày, ông Thìn phải kiểm tra, quan sát đàn ong kỹ lưỡng và ghi chép cẩn thận những thông tin về sự thay đổi của từng đàn. Đây chính là một điểm khác biệt của mô hình nuôi ong VietGAP so với mô hình nuôi ong truyền thống. Đã gần 5 năm gắn bó với nghề nuôi ong nhưng chỉ đến năm nay, ông Thìn mới áp dụng nuôi ong VietGAP.
Ông Thìn chia sẻ: "Việc ghi chép giúp cho ông nắm bắt được quy luật hút mật của đàn ong, tránh được việc hút phải phấn hoa có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Điều này giúp hạn chế được 2 nguy cơ, đó là tránh cho mật bị nhiễm thuốc, đồng thời tránh cho ong bị nhiễm độc chết". Chính vì vậy, khâu chọn địa điểm để đặt đàn được ông Thìn hết sức chú trọng. Từ 40 đàn ong, năm nay gia đình ông đã thu hơn 400 lít mật, mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Nhằm giúp người nuôi ong huyện Vũ Quang áp dụng quy trình nuôi tốt, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Ong và Dịch vụ nông nghiệp huyện Vũ Quang lựa chọn 147 hộ để triển khai mô hình nuôi VietGAP tại các xã: Ân Phú, Đức Giang, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Sơn Thọ và Thị trấn Vũ Quang. Các hộ thực hiện mô hình sẽ phải để các thùng ong ở gần nguồn thức ăn, nước sạch, bóng râm và xa nguồn ô nhiễm về chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, khu vực phun thuốc trừ sâu, kho chứa chất trừ sâu, đặc biệt đảm bảo không bị phá hoại hay bị súc vật tấn công, không nguy hiểm do hỏa hoạn và lũ lụt.
Ông Đậu Khắc Mạnh, Phó Giám đốc HTX Nuôi ong xã Ân Phú, huyện Vũ Quang cho biết: "Việc áp dụng đúng quy trình chăn nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người nuôi ong giảm được chi phí sản xuất như: giảm chi phí mua thức ăn bổ sung, chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm tỷ lệ ong bốc bay, từ đó làm tăng sản lượng mật, đồng thời mật ong cũng đảm bảo chất lượng hơn".
Hiện nay, toàn huyện Vũ Quang có khoảng 600 hộ nuôi với tổng số trên 5.000 đàn ong mật. Để tăng tính cộng đồng trong nuôi ong và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện Vũ Quang đã thành lập 5 tổ hợp tác (THT) và 7 HTX nuôi ong với 222 thành viên... Mật ong Vũ Quang có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tiếp tục khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong, vừa qua Liên minh HTX Ong và Dịch vụ Nông nghiệp Vũ Quang đã ra đời, trên cơ sở hợp nhất các THT và HTX nuôi ong ở các xã trong huyện. Năm 2018, Liên minh HTX đã đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại để hỗ trợ quá trình chế biến sản phẩm, trong đó việc đầu tư máy đo thuỷ phần trong mật là điều kiện nâng cao chất lượng mật ong sau chế biến.
Mật ong Vũ Quang đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
Qua gần một năm triển khai mô hình nuôi ong theo hướng VietGAP, các chỉ số kim loại (A-sen, Ca-đi-mi, chì.. ) trong mẫu đất, mẫu nước vùng nuôi ong và mẫu mật ong đều nằm ở ngưỡng cho phép. Ngày 15/9/2018, sản phẩm mật ong của Liên minh HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đây sẽ mang lại niềm tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường ổn định.
"Qua việc tham gia mô hình nuôi ong theo hướng VietGAP đã giúp người dân áp dụng quy trình nuôi tốt vào thực tế sản xuất, làm cho đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng của mật ong, góp phần tăng hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong. Có thể nói rằng, với tiềm năng và thế mạnh riêng, với sự nỗ lực và tuân thủ quy trình của người nuôi, mật ong Vũ Quang xứng đáng để xây dựng thành sản phẩm chủ lực và phát triển trên quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường"- ông Dương Thế Đạt, Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang khẳng định thêm./.
Theo Nguyễn Hoàn/khuyennongvn.gov.vn