Người sở hữu đồi cam với diện tích lớn nhất nhì huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh

Người sở hữu đồi cam với diện tích lớn nhất nhì huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh
Bằng sự đam mê, chịu khó anh Nguyễn Thái Sơn - Thôn 6, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã biến diện tích 50 ha đất đồi thành vườn cam hơn 10.000 gốc, hứa hẹn mùa bội thu.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vũ Quang, anh Nguyễn Thái Sơn - Thôn 6, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang đã trải qua nhiều nghề bươn chải cuộc sống. Đến tuổi ngũ tuần anh đã trong tay chút vốn liếng và nghề nghiệp tương đối ổn. Tuy nhiên niềm đam mê trong anh vẫn là sản xuất nông nghiệp. Anh muốn tìm một trang trại để thực hiện đam mê và mong muốn có một môi trường sống an lành nơi rừng núi.
Với đam mê và mong muốn đó nhiều năm qua, khi rảnh rỗi, hay được ai mách bảo là anh lại dành thời gian đi tham quan và tìm hiểu các trang trại. Tuy nhiên nơi thì rộng quá, nơi thì hẹp quá, nơi lại thấy chưa hợp lý để thực hiện ý tưởng phát triển trang trại của mình, nên nỗi niềm đó vẫn canh cách trong lòng anh.
Rồi cơ duyên đến với anh, năm 2015, một lần tình cờ thăm trang trại của người em họ tại xã Sơn Thọ, anh đã tìm được mảnh đất đúng như mong muốn của mình. Không ngần ngại, anh huy động vay mượn hơn 2 tỷ mua lại trang trại của 2 hộ dân với tổng diện tích hơn 50 ha. Khi anh đến đây trang trại này chủ yếu được che phủ bởi các cây keo lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế thấp. Bên cạnh đó cũng có ít diện tích cam, nhưng không được đầu tư chăm sóc nên không phát triển. Tìm thấy mảnh đất như mong muốn, anh vui mừng khôn xiết, anh nghỉ hẳn công việc đang làm mang thu nhập ổn định, rời khu phố xã ồn ào, bắt tay vào thực hiện đam mê của mình.
Mặc dù hiện nay đã gần 60 tuổi nhưng anh lại là một người rất đam mê học hỏi. Anh tìm tòi các thông tin kỹ thuật trên truyền thông, trên mạng internet, tham gia các hội nhóm sản xuất cam. Sau 4 năm gian khổ, anh Nguyễn Thái Sơn đã biến đồi keo thu nhập thấp thành vườn cam với hơn 10.000 gốc cam. Trong đó gần ½ diện tích chuẩn bị cho thu hoạch. Bên cạnh trồng cam, anh Sơn còn dành 1 ha để trồng cây thanh long.
 
 
 

Anh Sơn chia sẻ: Đây là một trang trại rộng lớn có đầy đủ vườn đồi và ao hồ nên tôi phát triển Chăn nuôi - Trồng trọt tổng hợp. Bò được ăn cỏ trồng trong trang trại. Với hơn 60 con bò này đã cung cấp một lượng phân chuồng rất lớn cho sản xuất cam, giúp tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu chi phí mua phân bón hằng năm. Nền chuồng bò được rải bằng vỏ lạc, phân bò thải ra trộn với vỏ lạc được định kỳ thu dọn xuống hố phân, sau đó rải men Trichoderma ủ thật hoai mục làm phân bón cho cam rất hiệu quả, an toàn.
Cũng theo anh Sơn: Cam là một cây trồng cũng có rất nhiều các đối tượng gây hại, nên trong quá trình chăm sóc để tạo sản phẩm cam an toàn anh đã phối hợp một số loại thuốc BVTV kết hợp tỏi, ớt phun cho cam thấy tương đối hiệu quả, phòng trừ được một số đối tượng sâu ăn lá, nhện đỏ, ốc …. Và trong giai đoạn sắp thu hoạch tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV phun cho cam mà chỉ sử dụng bóng điện thắp sáng để xuôi đuổi các đối tượng gây hại.
     Thăm quan trang trại của anh chúng tôi còn chứng kiến chuồng nuôi bồ câu Pháp quy mô với hơn 200 con thường xuyên sinh sản, cùng với đó là 30 đàn ong cho mật quanh năm.     Trang trại của anh Sơn đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 người dân địa phương và 20 người dân theo thời vụ.
    Anh Sơn hồ hởi nhẩm tính: Mặc dù cũng đã bỏ rất nhiều công, nhiều của và trang trại nhưng đến nay nhìn trang trại tôi không khỏi vui mừng vì đã thực hiện được ước mơ của mình. Năm nay, chưa tính các nguồn thu từ chăn nuôi, riêng trồng cam tôi ước tính phải đạt tổng sản lượng 60 tấn, dự tính thu về hơn 1 tỷ đồng.
    Chia tay anh Sơn, ngắm nhìn trang trại mênh mong với khung cảnh nên thơ, chúng tôi thực sự ngâm phục anh - một con người mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình dù không còn sớm. Chúc anh sẽ có những vụ mùa bội thu./.
 
Theo Hà Trần/sonongnghiephatinh.gov.vn