Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa
Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm “hóa giải” các tác nhân làm giảm năng suất lúa gồm sâu bệnh, sự đổ ngã, ngộ độc hữu cơ và điều kiện bất lợi (phèn, mặn, hạn).

 

Vừa qua, tại HTX nông nghiệp 30/4 (xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách phối hợp cùng ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trong khu vực bị xâm nhập mặn”.

10-24-14_hoi-tho-mo-hinh-lu
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học của ĐH Cần Thơ, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn có liên quan trong ngành nông nghiệp, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và đông đảo bà con nông dân trồng lúa trong vùng bị ảnh hưởng mặn. Các đại biểu được “mục sở thị” ruộng mô hình nổi bật giữa cánh đồng nhờ bộ lá còn xanh tươi, trong khi bông lúa đã chín với những hạt no đầy, sáng chắc, dấu hiệu của một vụ mùa bội thu; trong khi đó, ruộng đối chứng bộ lá đã “bể”, lá bị cháy chóp và chết sớm.

Theo đánh giá của các đại biểu “lão nông tri điền” thì năng suất của ruộng mô hình đạt khoảng 7,6 tấn/ha, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt khoảng 6,9 tấn; giá bán lúa của ruộng mô hình cao hơn 100 đồng/kg nhờ hạt mẩy và vàng sáng.

Ông Nguyễn Văn Thiên, chủ ruộng mô hình cho biết, so với tập quán nông dân thì canh tác theo quy trình của Trường Đại học Cần Thơ chi phí đầu vào giảm rất đáng kể. Cụ thể, lượng giống và phân bón giảm được gần 50%, giảm được 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác theo tập quán nông dân. So sánh về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận của ruộng trình diễn cao hơn ruộng đối chứng hơn 600 ngàn đồng/ha.

Ông Nguyễn Thành Việt, Giám đốc HTXNN 30/4, người cùng thực hiện theo quy trình mới tâm sự: “Lúa đỏ đuôi tôi mới hoàn toàn yên tâm và tin rằng ruộng mình thắng lợi, chớ trước đó thấy mã lúa không sung, cây hơi thấp, lá vàng ngà, sợ năng suất không bằng mọi người nên hồi hộp lắm! Trước lo bao nhiêu giờ mừng bấy nhiêu!”.

10-24-14_thm-qun-ruong-trinh-dien
Tham quan ruộng trình diễn

Trình bày về cơ sở khoa học để ruộng trình diễn thành công, PGS.TS Trần Kim Tính, tác giả của mô hình cho biết, mô hình được ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như sử dụng giống xác nhận; sạ với mật độ thưa (140kg giống/ha); tưới theo phương pháp “ướt – khô” xen kẽ; áp dụng công thức phân 77-30-54, giảm 50% lượng đạm và lân so với tập quán của nông dân nhưng bổ sung thêm phân trung, vi lượng và chất hữu cơ ở dạng humic.

Các giải pháp kỹ thuật trên đây được áp dụng nhằm “hóa giải” các tác nhân làm giảm năng suất lúa gồm sâu bệnh, sự đổ ngã, ngộ độc hữu cơ và điều kiện bất lợi (phèn, mặn, hạn). Điểm mới và mang tính quyết định đến sự thành công của mô hình là việc bổ sung chất hữu cơ ở dạng humic và phân trung, vi lượng. Chất hữu cơ dạng humic giúp kích thích ra rễ nhanh, nhiều và dài nên tăng khả năng chịu hạn, chịu mặn của cây lúa, giải độc phèn, chống ngộ độc hữu cơ, sử dụng phân đạm hiệu quả hơn, cây cứng cáp, chống đổ ngã, giúp cây tăng tính chống chịu sâu bệnh.

Trong khi đó, phân trung, vi lượng tăng chất lượng đất trồng, giúp cây lúa khỏe, phát huy hết tiềm năng năng suất. Tác giả của mô hình cho biết thêm, ở những khu vực bị xâm nhập mặn, chỉ cần mỗi tháng có 15 ngày lấy được nước ngọt thì hoàn toàn có thể trồng lúa an toàn, bảo đảm năng suất khi áp dụng quy trình canh tác mới này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho rang, đây là mô hình có tính thuyết phục cao, hiệu quả thiết thực, nhất là các khu vực có điều kiện ngoại cảnh khó khăn (hạn, mặn, phèn), được nông dân ủng hộ.

Ông Sơn đề nghị PGS.TS Trần Kim Tính và Phòng NN-PTNT Kế Sách tổng hợp kết quả các mô hình, sớm xây dựng và phổ biến quy trình canh tác mới đến bà con nông dân trong tỉnh.

 

Theo Vũ Bá Quan/nongnghiep.vn