Australia - Làm giàu từ nông nghiệp
- Thứ hai - 19/02/2018 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, vì vậy trước đòi hỏi của tình thế, dự thảo Nghị định sản xuất NNHC đang được gấp rút trình Chính phủ, dự kiến ban hành đầu năm 2018. Đây sẽ là cơ sở pháp lý đầu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển ngành NNHC, đáp ứng yêu cầu bức thiết tiêu dùng và xuất khẩu. Để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này, ĐTTC giới thiệu ngành sản xuất nông nghiệp hiện đại của Australia - một mô hình thành công đến mức hiện nay quốc gia này được xem là “kho thực phẩm của thế giới”.
Thành quả nông nghiệp hiện đại
Sau nhiều thập niên lạm phát hóa chất và phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp hủy hoại đất đai, môi trường tự nhiên, con người đang phải đối diện với vô số dịch bệnh phức tạp, tỷ lệ các loại ung thư gia tăng tàn khốc.
Thế giới dần tỉnh ngộ, và hiện nay nhu cầu sử dụng sản phẩm NNHC là đòi hỏi bức bách, nhằm kiến tạo môi trường sống tốt hơn. Theo Hiệp hội NNHC Quốc tế (iFOAN), NNHC là quy trình chăn nuôi, trồng trọt không sử dụng hóa chất hoặc để lây nhiễm bất kỳ hóa chất độc hại nào; để thiên địch tự đối kháng đẩy lùi sâu bệnh; không dùng giống biến đổi gen mà vẫn bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm cao; tạo ra hệ sinh thái cân bằng, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Australia là một quốc gia đất rộng người thưa, đất đai có thể canh tác chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa; tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên do ít mưa, thiếu nguồn nước. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp khởi đầu ở quốc gia này không phải là thế mạnh, và thực tế tất cả giống cây, con, công nghệ sản xuất đều có nguồn gốc nhập khẩu hoặc ứng dụng các thành tựu mới nhất của thế giới để phát triển.
Để “đi tắt đón đầu” và hóa giải các khiếm khuyết của mình, Chính phủ Australia đã thành lập 11 trung tâm nghiên cứu trên cả nước nhằm chọn lọc giống và công nghệ, ứng dụng thực tế để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia và chuyển giao kiến thức, công nghệ cho nông dân…
Cách đây 20 năm, Australia đã thực hiện chương trình “Xây dựng nền nông nghiệp tiến tiến” và hướng đến xuất khẩu với mục đích nâng cao thu nhập nông dân, sản xuất sạch để đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Chương trình này bao quát nhiều nội dung: Hỗ trợ tài chính nông dân về giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ nông dân thay đổi ngành nghề phù hợp phương thức tiêu dùng an toàn; tư vấn nông dân quản lý tài chính, nâng cao năng lực phát triển kỹ năng; cung cấp thông tin giúp nông dân nắm vững thị trường trong và ngoài nước trong tiến trình sản xuất…
Các chương trình này liên tục được cập nhật phù hợp với các yêu cầu mới của thị trường và chuỗi cung ứng. Điểm đặc biệt là mỗi trung tâm nghiên cứu trên cả nước căn cứ vào từng vùng sinh thái đề ra giải pháp phát triển, hướng sản xuất vào các sản phẩm phù hợp: Miền Tây Bắc Australia khí hậu khô, nóng nên Trung tâm nghiên cứu chú trọng phát triển ngành bông vải và cải dầu; vùng Bắc duyên hải khí hậu khô nhưng mát mẻ chuyên về sản xuất bò thịt; miền Trung duyên hải có khí hậu ôn hòa hơn nên phát triển ngành làm vườn, nhà kính trồng rau quả; vùng Tây Nam khí hậu khô nóng, nhiều ánh sáng chuyên về lúa gạo, trồng trọt…
Nhờ đó, ngày nay Australia đã xây dựng được nhiều thương hiệu cạnh tranh toàn cầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên bình diện quốc tế. Theo Cục Kinh tế, khoa học nông nghiệp và nguồn lợi Australia, giá trị sản lượng nông nghiệp nước này năm 2013 đã vươn lên đạt 43 tỷ USD; tương đương với 3% GDP. Sản lượng cũng có bước tiến vượt bậc. Bang New South Wales chuyên sản xuất lúa đạt năng suất 9,89 tấn/ha (so với năng suất lúa nước ta cao nhất cũng chỉ dưới 7 tấn/ha).
Ngày nay ngành nông nghiệp Australia không những có giá trị kinh tế lớn mà còn giữ vai trò xã hội đặc biệt quan trọng: Lực lượng lao động chính thức chỉ khoảng 400.000 người (chiếm 4% tổng lao động cả nước) nhưng sản xuất ra hàng hóa đạt chỉ số tự cung cấp cao nhất thế giới; tính trung bình một nông dân Australia có thể nuôi 190 người. Các sản phẩm nông nghiệp chính của Australia không chỉ đảm bảo “an ninh lương thực” trong nước mà còn xuất khẩu rộng khắp thế giới, như lúa mì, lúa mạch, mía, hoa quả, gia súc, cừu, gia cầm, nho và rượu vang…
Nông dân là chủ thể
Nền nông nghiệp Australia được tổ chức dưới hình thức nông trại với khoảng 130.000 nông trang trên diện tích canh tác 354 triệu ha. Chính sách của nước này là xây dựng một nền nông nghiệp do nông dân làm chủ nên tinh giản tối đa các điều luật, quy định bắt buộc đối với nông dân. Nông dân là chủ thể của nông nghiệp, được thể hiện bằng việc hộ nông dân được cấp giấy phép sở hữu diện tích đất lớn, không phải thuê lại đất nhà nước. Nông dân chủ động từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch. Đặc biệt là khâu quản lý sau thu hoạch và kiểm tra chất lượng sản phẩm đều do chuyên gia các ngành nghề đảm nhiệm, nhưng họ phối hợp khá tốt nhằm phục vụ nông dân, tăng hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
Nông dân Australia ngày nay sản xuất theo chuỗi giá trị và phân phối theo chỗi cung ứng. Quy trình sản xuất tốt GAP được thực hiện nghiêm chỉnh trong từng công đoạn sản xuất đối với từng loại cây/con để nông dân luôn đảm bảo an toàn vệ sinh, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng của nhà cung ứng và người tiêu thụ trong và ngoài nước. Các mặt hàng này đều đóng gói bao bì cẩn thận với nhãn hiệu “Made in Australia” trên sản phẩm trước khi tung ra thị trường.
Các bạn trẻ có nhiều công việc thích thú để làm, như điều khiển máy bay không người lái bảo vệ mùa màng, nghiên cứu xử lý dữ liệu về dinh dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia súc. Làm nông không có nghĩa là lội đồng. Công ty Gia súc AACo, lớn nhất Australia thường xuyên tuyển dụng người trẻ giỏi công nghệ để điều hành hệ thống robot sử dụng ngoài trời.
Một bạn trẻ ở Brisbane, kỹ sư kỹ thuật đã rèn luyện 5 năm tại trường đại học lại chọn về nông thôn làm việc, đã tâm sự trên mạng: “Làm việc ở trang trại tức là sống và lao động như một nông dân thực thụ. Thế nhưng công việc đầu tiên, đồng lương đầu tiên tôi kiếm được lại là từ đất mẹ vĩ đại, từ mùi hương hăng hắc của cỏ cây và những mùa vụ sung túc. Tôi đón Giáng sinh cũng như sinh nhật trong cái rét căm, không khí ảm đạm của một ngày không nắng và cảm giác thiếu thốn trăm bề của một đêm không điện. Nhưng tôi được thiên nhiên ưu đãi bằng cả ngàn ngọn nến lung linh trên bầu trời. Đứng giữa cánh đồng, tôi cảm nhận không khí mát lạnh, hương cỏ cây dịu nhẹ, làm tôi có cảm giác nhận được một món quà rất hậu hĩnh từ mẹ thiên nhiên”.
Hiện nông nghiệp nước này chỉ chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội nhưng chính phủ nước này dự báo có thể đạt được 5% vào năm 2050. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp giờ đây có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Australia khi ngành kinh tế mũi nhọn khai khoáng một thời bùng nổ hiện nay đang có xu thế phát triển chậm lại.
Năm kỷ lục phát triển
Nông nghiệp không phải là thế mạnh của Australia do điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên. Tuy vậy, nhờ có chính sách đúng về nông nghiệp người Australia đã đưa cả vùng nông thôn phát triển trù phú, nông dân biết làm giàu từ đất, trở thành một ngành đẻ ra tiền. Nền nông nghiệp nước này đã cung cấp đầy đủ sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu 80% sản lượng. Thu nhập của mỗi nông dân Australia đạt 100.000USD/năm, cao hơn so với GDP bình quân đầu người nước này (60.000USD/năm).
Làm chủ thiên nhiên, tạo phúc lợi từ đất đai, chỉ trong 116 năm kể từ khi lập nước, đến nay Australia được bình chọn là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về chỉ số chất lượng cuộc sống (năm 2005), thứ 3 về chỉ số phát triển con người (2007). Australia còn nắm giữ một kỷ lục khó nước nào đạt được: Hầu hết thành phố lớn tại các tiểu bang đều là những thành phố nằm trong “top 10” có chất lượng và mức sống tốt nhất thế giới.
Bộ Nông nghiệp kinh tế tài nguyên và khoa học Australia (ABARES) vừa công bố số liệu kinh tế nông nghiệp của Chính phủ liên bang tại Hội nghị Outlook 2017, cho biết: Giá trị sản xuất nông nghiệp dự đoán tăng 8,3% trong năm tài khóa này, đạt mức 63,8 tỷ AUD nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi ở hầu hết khu vực nông nghiệp và giá xuất khẩu cao các mặt hàng thịt bò, cừu, len, các loại hạt…
Thế giới đang hướng tới các sản phẩm nông nghiệp Australia vì các thị trường nước ngoài đều ưa thích các loại nông phẩm nước này. Năm 2017, mức kỷ lục về sản xuất đã bị phá vỡ do phần lớn sản phẩm được bao tiêu xuất khẩu, như lúa mì (22,8 triệu tấn), lúa mạch (7,4 triệu tấn), đậu chickpea (1,4 triệu tấn)… Riêng trái cherry xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục 75 triệu AUD.
Giám đốc điều hành ABARES, ông Peter Gooday cho biết: “Kỷ lục phát triển nông nghiệp năm nay do gia tăng sản lượng cây trồng và hoạt động hiệu quả trong các ngành công nghiệp chăn nuôi. Nhiều thông tin tốt hơn nữa đang chờ đón nông dân trong năm tài khóa 2018, như xuất khẩu bông tăng 35%, sữa tăng 11%, len tăng 10%. Chúng tôi nghĩ rằng nông nghiệp thực sự là một trong những ngành phát triển mạnh nhất hiện nay tại Australia”.