Bắc Giang: Tạo bước đột phá về cơ cấu giống lúa
- Thứ hai - 09/03/2015 03:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gần 50% diện tích lúa giống mới
Yên Dũng là huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh với diện tích gieo cấy bình quân gần 8 nghìn ha mỗi vụ, vì vậy việc đưa giống mới vào khảo nghiệm và nhân rộng luôn được huyện chú trọng. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Mỗi năm, các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng mô hình khảo nghiệm từ 5-7 giống lúa mới.
Trên cơ sở đó tìm ra bộ giống phù hợp với đồng đất địa phương, thay thế những giống cũ đã thoái hóa nhằm cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân”. Khi khảo nghiệm thành công, huyện có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất như: Trợ giá giống, hỗ trợ công làm đất, thu hoạch. Nhờ vậy, Yên Dũng đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa lúa thơm, lúa chất lượng với diện tích gần 4 nghìn ha. Bộ giống chủ lực được đưa vào gieo cấy gồm: BC15, RVT, Hương thơm số 1, Nàng xuân, Bắc thơm số 7.
Tại xã Lão Hộ, vụ xuân này nông dân gieo cấy hơn 130 ha lúa, trong đó lúa chất lượng lên tới gần 70 ha. Đơn cử như gia đình bà Dương Thị Chung, thôn Thượng Tùng cấy 6 sào, trong đó có 5 sào giống mới, còn lại là giống KD18. Bà Chung nói: “Hai năm nay, vụ nào tôi cũng cấy giống lúa BC15 với diện tích lớn, chỉ có một sào thuộc chân ruộng trũng cấy giống KD18. Giống lúa BC15 không chỉ cho năng suất cao hơn giống cũ từ 50-60 kg/sào mà hạt gạo dài, cơm dẻo, bán được giá”.
Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa cũng được huyện Việt Yên quan tâm. Mỗi năm huyện dành khoảng 50 triệu đồng giao cho Trạm Khuyến nông xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới. Ngoài ra, Trạm liên kết với đơn vị sản xuất giống ở trong và ngoài tỉnh xây dựng từ 50-60 mô hình cấy giống mới tại nhiều xã; tổ chức hội thảo đánh giá các chỉ tiêu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, yếu tố cấu thành năng suất, chất lượng sau đó khuyến khích nhân rộng. Vụ xuân năm nay, toàn huyện có hơn 3,2 nghìn ha cấy giống lúa mới gồm: BC15, Thiên ưu 8, QR1, RVT, tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, công tác khảo nghiệm, trình diễn giống lúa mới đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu giống của tỉnh. Nếu như cách đây 5 năm, KD18 là bộ giống được gieo cấy chủ lực thì đến nay đã giảm hẳn, thay vào đó là các giống lúa chất lượng, năng suất cao. Riêng vụ xuân này, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn ha lúa chất lượng, lúa lai, chiếm gần 50% tổng diện tích, tăng gần ba lần so với năm 2010.
Cần giải pháp đồng bộ
Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Sở Nông nghiệp và PTNT dành 200 triệu đồng cho công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống lúa; đồng thời giao Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa mới. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách có hạn, trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp - PTNT các huyện, thành phố chủ động phối hợp với hàng chục doanh nghiệp, đơn vị sản xuất xây dựng mô hình khảo nghiệm, trình diễn giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao tại địa bàn. Số vốn dành cho hoạt động này lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy nhiều giống lúa mới đã bén rễ trên đồng đất địa phương, được bà con ưa chuộng như: BC15, Thiên ưu 8, Nàng xuân, Hương thơm số 1, HKT 99, RVT…
Là đơn vị duy nhất của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây trồng mới, mỗi năm Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang khảo nghiệm, trình diễn hơn 200 lượt giống lúa trong và ngoài tỉnh. Theo đó, tất cả các giống đều phải đánh giá qua ba vụ sản xuất liên tiếp, kết quả khả quan mới được nhân rộng. Để làm tốt vai trò này, Công ty đã đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu. Ba năm gần đây, Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo được thêm hai giống lúa thuần là BG1, BG6 bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh với diện tích sản xuất mỗi vụ khoảng 400 ha; đánh giá, khuyến cáo nhân rộng nhiều giống lúa của các đơn vị được khảo nghiệm tại tỉnh.
Tuy nhiên, mỗi giống lúa chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định. Thực tế này đòi hỏi các nhà sản xuất giống, cơ quan chuyên môn phải không ngừng nghiên cứu, chọn tạo, tìm ra bộ giống mới. Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, giống cây trồng là nhân tố quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Bởi vậy các công ty sản xuất giống cây trồng, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục khảo nghiệm, kiểm nghiệm, nghiên cứu, chọn tạo các bộ giống lúa mới phù hợp với điều kiện trong tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đồng thời cần tiếp tục xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; tập huấn các biện pháp kỹ thuật cho nông dân từ khâu sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến, vận chuyển nhằm phát huy được ưu điểm của giống, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Nếu không, một số giống lúa chất lượng nhưng chăm sóc không kịp thời, hong phơi, xay xát chưa đúng cách thì giá trị kinh tế vẫn thấp.
Biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân buộc công tác chọn tạo giống phải thường xuyên đổi mới để thích ứng. Hiện nay, an ninh lương thực được bảo đảm. Hạt gạo không chỉ là thực phẩm hằng ngày mà dần như một loại thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng người tiêu dùng”.