Bảo tồn nguồn gen các giống lúa đặc sản: Mỗi nông dân là một “nhà khoa học”

Bảo tồn nguồn gen các giống lúa đặc sản: Mỗi nông dân là một “nhà khoa học”
Rất nhiều giống lúa đặc sản của Việt Nam đang bị mai một nghiêm trọng. NTNN phỏng vấn TS Ngô Tiến Dũng- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) quanh việc phục tráng và bảo tồn các nguồn gen quý này.

Ông Dũng cho biết:

- Từ năm 2000, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học đối với nguồn gen cây lúa. Mục đích của chúng tôi là, giúp cho nông dân trong cộng đồng có hiểu biết, kỹ năng về đa dạng nguồn gen cây lúa trên đồng ruộng cũng như các cây trồng khác. Chính nông dân sẽ là người tiên phong, thậm chí là “nhà khoa học” trong việc bảo tồn, phát triển và làm giàu kho gen của cây lúa.

 

Nhiều nguồn gen quý của các giống đặc sản đã dần bị mai một, thậm chí mất đi. Tại sao phải đến năm 2000 chúng ta mới triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen cây lúa?

- Bắt đầu từ những giống lúa lẫn tạp, kém chất lượng ở địa phương hoặc các giống được nhập ở nơi khác về, qua nhiều năm, khi đã được hướng dẫn các kỹ năng chọn tạo, nông dân sẽ chọn được những loại giống có nguồn gen quý phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Thực tế, nhiều địa phương, nhiều vùng và trên bình diện cả nước việc mai một các giống lúa đặc sản đang diễn ra. Mặc dù, chúng ta triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen có chậm, nhưng tôi nghĩ vẫn rất cần thiết. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen cây lúa phải đi song song với quá trình phục tráng được các giống lúa đặc sản có giá trị cao, mang đậm chất truyền thống của địa phương như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng…

Đến nay, việc triển khai nhân rộng các mô hình từ chương trình này như thế nào, thưa ông?

- Hiện chương trình đã thực hiện ở hơn 200 xã của 13 tỉnh từ miền Trung trở ra. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chương trình vào các tỉnh phía Nam. Có những xã thực hiện chương trình, nguồn giống lúa do nông dân tự lai tạo đã cung cấp 70- 80% nhu cầu giống cho người dân ở địa phương.

Nông dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã khôi phục và sản xuất một giống lúa nương đặc sản.

Đã có hàng trăm giống lúa được nông dân phục tráng, lai tạo tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, việc thương mại hóa, xây dựng thương hiệu cho các giống lúa này lại gặp không ít khó khăn?

- Đây là vấn đề phức tạp. Bộ NNPTNT cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều, vì nó liên quan đến hệ thống văn bản, hỗ trợ nông dân quản lý sản phẩm. Đặc biệt, có một thực tế là ngay bản thân người dân, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển giống lúa tỏng cộng đồng. Hiện chúng ta chủ yếu quan tâm đến hệ thống cung ứng giống chính thức mà chưa có quan tâm đến hệ thống cung ứng giống nông hộ trong cộng đồng.

“Các cơ quan chức năng cần sớm nhận biết được vị thế của nguồn giống để có chính sách khuyến khích trong việc phát triển trong cộng đồng, giúp cho nông dân sớm xây dựng được thương hiệu giống mà chính họ sản xuất ra”.