Bí đao của cụ Câu

Bí đao của cụ Câu
Cụ Huỳnh Câu ở thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một nông dân biết áp dụng kĩ thuật, công nghệ tận dụng đất hoang hóa trồng cây ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
 

Cụ tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng cát trắng, quanh năm khô cằn, cứ mãi còng lưng cuốc, xới, tưới, trồng vẫn không thoát nghèo; nay nhờ có kĩ thuật mới, giống mới có tổ chức khuyến nông, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên biết tận dụng lợi thế về đất đai; tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế. Tôi đầu tư, chuyển đổi số đất khai hoang của mình với hàng trăm công lao động để trồng cây bí đao cho thu nhập cao”.

Dù tuổi cao, nhưng cụ Câu vẫn tham gia lớp tập huấn tại Trung tâm Học tập cộng đồng do Hội Khuyến học xã tổ chức. Có được kiến thức cơ bản, cụ tìm hiểu thêm sách, báo và tham quan nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh để chọn loại cây trồng phù hợp với vùng cát bạc màu, cằn cỗi tại địa phương. Sau nhiều trăn trở, cân nhắc, cụ quyết định chọn cây bí đao trồng thử nghiệm. Năm đầu trồng trên vài mươi dây, thấy có hiệu quả. Tiếp tục những năm sau, cụ đầu tư thâm canh, kết hợp cải tạo đất thành một vườn bí đao rộng mỗi vụ thu từ 15 đến 20 tạ quả.

Cụ Huỳnh Câu bên giàn bí đao trĩu quả của mình.
Đến nay khu vườn của cụ Câu rộng gần 300m2, trồng từ 200 đến 300 dây bí đao, kết hợp với trồng chuối lùn và cà chua, bình quân mỗi vụ thu hoạch trên 10 tạ quả, có năm thu hơn 2 tấn. Riêng năm 2011 - 2012, giàn bí đao của cụ thu gần 3 tấn quả, mỗi quả nặng từ 8 đến 15 kg, bán giá bình quân 40.000 đồng/quả. Từ mô hình này, cụ Huỳnh Câu không phải lo nghĩ đâu xa mà chỉ bảo vệ nguồn lợi chính đáng do mình làm ra để có thu nhập ổn định.

 

Hỏi bí quyết trồng bí đao cho năng suất cao, cụ Câu cho biết: “Bí đao chịu độ ẩm vừa, đất phải luôn tơi xốp, nên gia đình tôi đôn cát cao lên từ 50 đến 70 cm”. Nguồn lợi thu từ bí đao giúp cụ nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn, xây dựng nhà cửa khang trang. Từ thực tế gia đình mình, cụ khuyến khích bà con trong vùng tham gia trồng bí đao cải thiện đời sống gia đình, phát triển kinh tế.

Bà con trong thôn gọi đùa là “bí đao cụ Câu” bởi cụ là người đầu tiên mang giống cây này về trồng trên vùng cát trắng. “Vạn sự khởi đầu nan”, đến nay bí đao trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con trong thôn. Một màu xanh mát mắt bao trùm làng quê đang trở nên trù phú. Không phụ lòng người và rất hợp với thổ nhưỡng ở đây, giàn bí đao nhà ai cũng trĩu quả.

Cụ Huỳnh Câu xứng đáng được bà con địa phương khen ngợi về tấm gương năng động trong lao động sản xuất.

Bài và ảnh Nguyễn Huy Hoàng
Theo nguoicaotuoi.org.vn