Bình Định: Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cho hiệu quả thiết thực

Bình Định: Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cho hiệu quả thiết thực
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) Bình Định, Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn đã thực hiện mô hình “Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học”, với sự tham gia của 5 hộ nông dân tại 3 phường Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, quy mô nuôi 3.000 con gà ta. Các hộ nông dân bắt đầu thả giống ngày 07/7/2014, đến nay đã bắt đầu xuất bán.
 
Bình Định: Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cho hiệu quả thiết thực

Các hộ tham gia mô hình n được Trung tâm KNKN Bình Định hỗ trợ 100% chi phí mua gà giống, 30% chi phí thức ăn và thuốc thú y, tương đương mỗi hộ được hỗ trợ gần 20 triệu đồng với quy mô nuôi 500 con gà.

Trong quá trình nuôi, các hộ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật của cơ quan chuyên môn đề ra. Trong đó, kỹ thuật làm đệm lót với nguyên liệu là trấu. Cụ thể, các hộ làm đệm lót từ 30 - 50m2 chuồng trại nuôi, rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10 - 15cm, sau đó thả gà giống vào chuồng. Sau thời gian từ 7 - 10 ngày đối với gà úm nuôi, khi phân gà rải kín thì chủ hộ dùng tay hoặc cào cán ngắn để cào sơ qua lớp mặt đệm lót, khi cào chủ hộ quây tròn gà về từng phía một để tránh xáo trộn đàn gà. Sau khi cào lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm men đã được chế lên toàn bộ về mặt đệm lót, sau đó dùng tay xoa trên mặt đệm lót để men được phán tán đều khắp. Cách làm chế phẩm men: Lấy 1 kg chế phẩm men Balasa.N01 trộn đều với 5 - 7 kg bột ngô hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 2,5 - 3,2 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm ủ trong 2 - 3 ngày trước khi rắc. Cứ 1 - 2 ngày thực hiện cào trên bề mặt đệm lót một lần để làm tơi xốp, nuôi trong vài tuần nếu có mùi hăng hắc thì xới tơi đệm lót, để cửa thông thoáng, thường xuyên rắc chế phẩm men để đệm lót luôn luôn khô và tiêu hủy phân tốt. Tránh để bị nước mưa, nước ở máng uống của gà làm ướt đệm lót và không phun thuốc sát trùng lên về mặt đệm lót.

Ngày 31/10/2014, tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Trần Quang Diệu, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm KNKN Bình Định, Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình “Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học” thu hút sự quan tâm của 60 bà con nông dân đến từ 3 phường Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Kết quả, tỷ lệ nuôi sống của gà trong mô hình đạt 93,1%, trọng lượng gà sau thời gian nuôi 100 ngày đạt 1,6 - 1,7 kg/con. Giá bán thực tế của 5 hộ với 52.000 đồng/kg, 57.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg, tổng thu từ bán gà của 5 hộ trong mô hình đạt hơn 242 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí còn lợi nhuận hơn 20,3 triệu đồng.

Ông Cao Xuân Bắc - ở KV 6, phường Bùi Thị Xuân, một chủ hộ thực hiện mô hình chia sẻ: “Khi nuôi gà trên nền đệm lót sinh học,nên làm vệ sinh, đảo nền đệm khoảng 5 cm bề mặt trên để tạo điều kiện thông thoáng cho vi sinh vật sinh sống và phát triển, nó tiêu hủy phân gà. Đồng thời, phải thực hiện công tác sát trùng xung quanh chuồng trại, định kỳ tháng 2 lần. Khi gà thả ra cũng phải định kỳ sát trùng quanh sân,  tạo sân có cát để gà được tắm cát và nắng giúp bộ lông mượt hơn”.

Điều đáng ghi nhận ở mô hình “Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học” là khi sử dụng đệm lót sinh học, các chất thải của gà được vi sinh vật phân hủy, không gây mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Bà Lê Thị Xuân - Trưởng Phòng Khuyến ngư - Chăn nuôi, Trung tâm KNKN Bình Định; cho biết: “Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học được ngành chăn nuôi thực hiện từ năm 2011. Đến năm 2013, Trung tâm KNKN Bình Định đưa vào áp dụng tại tỉnh. Mô hình này hướng đến 2 yếu tố cần phải đạt được đó là: vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ môi trường. Mô hình triển khai tại TP. Quy Nhơn được đánh giá là thành công cao về mặt kỹ thuật, phù hợp với đặc điểm chăn nuôi của đô thị”.

Việc thực hiện thành công mô hình “Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học” là tiền đề để cho bà con nông dân ở các địa phương nhân rộng áp dụng mô hình này trong thời gian tới. Ông Phan Tuấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế, Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Quy Nhơn kiến nghị: “Qua thực hiện mô hình chúng tôi kiến nghị Trung tâm KNKN Bình Định tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho thành phố xây dựng những mô hình phù hợp với đặc tính đô thị của TP. Quy Nhơn. Đề nghị lãnh đạo các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn để phát triển sản xuất và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật làm đệm lót sinh học áp dụng trong chăn nuôi, để cho sản xuất của bà con ngày càng có hiệu quả hơn. Đề nghị các hộ vừa rồi đã tham gia mô hình nhân rộng áp dụng tại gia đình trong những lứa gà tiếp theo, đồng thời có trách nhiệm trao đổi thông tin và hướng dẫn cho các hộ nông dân khác cùng tham gia thực hiện nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Nguồn khuyennnongvn.gov.vn