Bò sữa công nghệ cao
- Thứ hai - 04/11/2013 02:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó thực sự là những con số rất ấn tượng trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam. Vì thế, nó trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Đầu tư chậm?
Đối với nông dân Việt Nam nói chung và bà con xứ Nghệ nói riêng, việc nuôi bò sữa để làm giàu một thời gian khá dài bị coi là chuyện xa vời. Bởi thế, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã có lần tâm sự: Hồi ông làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại một hội nghị lớn của Bộ ông đã đưa ra diễn đàn ý tưởng xây dựng một trang trại bò sữa khoảng 10.000 con cho ngành chế biến sữa trong nước.
Nhưng ngay lập tức ý tưởng đó đã bị các chuyên gia đầu ngành chăn nuôi đưa ra đủ lý do để phản bác. Do vậy ý tưởng tuyệt vời đó đã bị chết yểu một thời gian quá dài (!?)
Để đưa đàn bò sữa vào Nghệ An với mong muốn giúp dân làm giàu, bên cạnh việc triển khai dự án sind hóa đàn bò để phối tinh bò sữa nhằm tạo ra một thế hệ bò sữa F1 cho địa phương, từ năm 2001-2006 tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi; tích cực nhập khẩu bò sữa HF để đẩy nhanh phát triển quy mô đàn.
Theo đó, các hộ đăng ký chăn nuôi bò sữa HF được chính quyền địa phương bảo lãnh để vay vốn ngân hàng, được ngành chăn nuôi hỗ trợ lãi suất trong thời gian 3 năm... “Cú hích” này đã có kết quả bước đầu: Đàn bò sữa HF trong dân từ số không đã tăng lên 1.341 con.
Trang trại bò sữa HF của tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, đàn bò sữa HF tại Nghệ An đã gặp phải rất nhiều sóng gió, đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh điêu đứng vì thua lỗ. Do chưa có kinh nghiệm gì về chăn nuôi bò sữa nên cả Ban quản lý và người dân đã bị các trung gian “qua mặt”.
Đàn bò sữa HF được các đối tác nhập khẩu về cho Nghệ An đều thuộc loại kém chất lượng (bò đã sinh sản 2 - 3 lứa, thậm chí không ít con đã bị loại thải). Do đó, bò sữa HF nhập về cho các hộ chăn nuôi tỷ lệ động dục không đạt yêu cầu, có không ít cá thể bò HF thụ tinh 4 - 5 lần vẫn không được, phải đổi đi đổi lại.
Số lượng bò sữa HF có chửa, đẻ cho tỷ lệ bê cái thấp, sản lượng sữa vắt được trong ngày thấp so với định mức trung bình của nhiều địa phương, những con cho sữa cao nhất cũng chưa đạt 28 lít/ngày/con. Đã thế, do quá trình vắt sữa bằng tay nên tỷ lệ bò cho sữa bị bệnh viêm vú và nhiều bệnh khác khá cao.
Thế nhưng, theo ông Lưu Công Hòa, nguyên Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An thì một trong số những lý do đã đẩy chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An vào thất bại chính là không có đầu ra cho sản phẩm sữa.
Thời điểm đó, do Vinamilk chưa xây dựng nhà máy chế biến sữa tại TX Cửa Lò nên lượng sữa tươi thu được từ đàn bò sữa HF tại các hộ chăn nuôi ở huyện Nghĩa Đàn đã không biết bán cho ai. Để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, tỉnh Nghệ An đã phải dùng ngân sách thu gom sữa, trợ giá vận chuyển và thuê xe bồn hằng ngày vận chuyển ra các NM chế biến sữa tại Hà Nội bán cho dân một thời gian khá dài.
Không có đầu ra cho sản phẩm, thua lỗ nặng nề khiến người dân chán nản, bỏ bê và không ít hộ đã phải bán đổ, bán tháo đàn bò sữa của mình.
Cho đến thời điểm Vinamilk khánh thành NM chế biến sữa tại Nghệ An thì chương trình phát triển đàn bò sữa của địa phương này cơ bản đã thất bại, chỉ còn lại 51 hộ bám trụ được là nhờ sản phẩm sữa có đầu ra và sự khuyến khích của Vinamilk nhưng cũng chỉ còn lại 352 con.
Hướng đi mới
Bế tắc một thời gian, mãi đến đầu năm 2010, khi Cty CP Thực phẩm sữa TH nhập khẩu 1.600 con bò sữa HF đầu tiên từ New Zeland về để triển khai dự án chăn nuôi bò sữa công nghiệp tập trung tại Nghĩa Đàn thì mới có sự đột phá mạnh mẽ.
Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư đón 1.600 con bò HF đầu tiên về Nghệ An (ngày 27/2/2010)
Từ 3 năm nay, đàn bò sữa HF ở Nghệ An mới chính thức trở thành một loại vật nuôi chủ lực của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế thực sự to lớn cho doanh nghiệp. Bò sữa đã trở thành một cứu cánh giúp Nghĩa Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung cất cánh.
Ông Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhớ lại: Để triển khai được dự án này tại vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ là không hề đơn giản. Dự án bắt đầu triển khai khi hàng loạt chương trình bò sữa tại các tỉnh, thành (kể cả ở Nghệ An) bị thất bại. Nhiều người, ngay cả giới lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương đều không tin vào khả năng thành công của việc nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Bởi thế, không ít cán bộ lãnh đạo địa phương phản đối mạnh mẽ việc UBND tỉnh Nghệ An cấp diện tích lớn đất đai màu mỡ ở cao nguyên miền Tây xứ Nghệ này cho doanh nghiệp chỉ để trồng cỏ, nuôi bò sữa.
"Vì thế, chúng tôi thấy khó khăn lớn nhất lúc ấy chính là phải làm sao thay đổi nhận thức cho cả cán bộ lẫn người dân. Lúc đó, chúng tôi bàn với nhà đầu tư tổ chức cho đại diện Tỉnh ủy, UBND, các sở ban ngành, đoàn thể trong tỉnh lần lượt trực tiếp sang Israel để xem xét mô hình. Và khi tận mắt chứng kiến sự thành công của họ, tập thể lãnh đạo tỉnh mới chính thức đi đến quyết định giao đất cho Cty CP Thực phẩm sữa TH", ông Trạc cho biết.
Thế nhưng, khi phá bỏ được rào cản về nhận thức trong giới lãnh đạo, mà việc thực hiện dự án vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Đặc biệt, việc thu hồi đất do nông trường cho các cá nhân thuê lâu dài theo Nghị định 01 của Chính phủ chưa hết hạn nên không ai chịu trả. Tỉnh ủy, chính quyền các cấp phải làm quyết liệt, nhẫn nại nếu không, dự án sẽ bế tắc.
Ông Trạc khẳng định: Để có được một dự án chăn nuôi bò sữa bằng công nghệ cao của Israel tập trung lớn nhất cả nước thì vai trò của cấp ủy và chính quyền là rất quan trọng. Không chỉ dừng ở chỗ hỗ trợ mà phải lôi kéo bằng được DN về địa phương mình.
Chúng tôi đã chủ động mời TH về Nghệ An đầu tư. Khi họ về rồi, Nghệ An tuyên bố: DN về lo xây trang trại, việc giải phóng đất đai là của chính quyền. Khi dự án đi vào vận hành, chính quyền lại tiếp tục cùng DN tháo gỡ từng khó khăn.
Đến nay, khi dự án bò sữa của Tập đoàn TH có những bước đi thành công vững chắc và đáng ghi nhận, thương hiệu sữa TH True Milk được người tiêu dùng tin tưởng, yêu quý. TH giải quyết việc làm cho hơn 1.000 con em địa phương. Và theo cam kết của nhà đầu tư, sắp tới mỗi năm TH sẽ đem lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh bình quân 70 triệu USD/năm đã chứng tỏ hiệu quả tuyệt vời của con bò sữa xứ Nghệ.
+ “Nhờ dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH mà vùng đất Phủ Quỳ đang đứng trước cơ hội trở thành một vùng nông thôn kiểu mẫu. Vì thế, thành công của TH cũng là thành công của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An...” ông Phan Đình Trạc. + “Trước sự thành công của dự án chăn nuôi bò sữa tập trung tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Tập đoàn Vinamilk cũng quyết định triển khai dự án xây dựng 5 trang trại bò sữa (mỗi trang trại 2.000 con bò sữa HF) tại một số huyện miền Tây của tỉnh Thanh Hóa...”, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết. |