Bưởi da xanh vùng đất đỏ
- Thứ tư - 03/09/2014 21:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nay nông dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng phát triển mạnh giống bưởi này…
BỎ CÀ PHÊ VÌ MÊ BƯỞI
Về địa bàn xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất thời điểm này chúng tôi chứng kiến nhiều vườn bưởi xanh mướt trĩu chịt trái đang chuẩn bị đến ngày cho thu hoạch.
Tôi ghé thăm vườn bưởi của gia đình anh Đặng Tuấn Thành, ấp Hưng Hiệp, một trong những vườn bưởi kiểu mẫu, có quy mô và đẹp nhất xã. Lúc này anh Thành đang mải kiểm tra những nhánh cây vừa chiết trong vườn, thấy khách đến thăm anh chạy ra niềm nở tiếp đón.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi nhà mình, anh Thành mở đầu câu chuyện với thông tin khá thú vị: “Trước đây, cả khu vườn này trồng toàn cà phê nhưng thu nhập bấp bênh. Tình cờ chỉ một lần ghé thăm nhà ông bạn thân trên huyện Định Quán có vườn bưởi da xanh cây đeo đầy trái to đều, giá bán lúc nào cũng cao ngất ngưởng, thấy mê quá nên tôi về quyết định đốn hết cà phê để chuyển qua trồng giống bưởi này đấy!”.
Gia đình anh Thành có tổng diện tích vườn khoảng 1,5 ha, bắt đầu trồng cà phê từ năm 1985, đến nay cây đã già cho năng suất thấp. Hơn nữa, chăm sóc vất vả mà giá cả bấp bênh, cả năm mới cho thu hoạch một vụ khiến anh nản.
Tình cờ biết được mô hình bưởi da xanh của nhà người bạn trồng rất thành công, đầu ra luôn ổn định, giá cao khiến anh mừng như tìm được “giống cây vàng”.
Anh về quyết định đốn hết cà phê, dọn sạch vườn đầu tư cải tạo lại đất rồi bắt đầu đặt mua cành bưởi chiết về trồng thử nghiệm trên 1 ha. Lúc đầu thấy anh đốn bỏ cả vườn cà phê đang cho thu hoạch, gia đình cũng xót và lo lắng.
Tuy nhiên, do đã tham khảo thực tế một số vườn trong xã trồng giống bưởi da xanh này phát triển tốt khiến anh càng tin tưởng và quyết tâm chuyển đổi cây trồng.
“Mặc dù có thời điểm tôi phải “chữa cháy” bằng việc đầu tư trồng dưa leo, bầu bí để chạy chợ hàng ngày kiếm thêm thu nhập gia đình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cây trồng tạm thời không bền vững mà tôi quyết tâm phải chọn bằng được giống cây trồng phù hợp để chuyển đổi và ổn định vườn!”, anh Thành tâm sự.
Đến nay, vườn của gia đình anh Thành đã trồng được 220 gốc bưởi da xanh (4 năm tuổi). Đầu năm 2014, một số cây bưởi da xanh trong vườn đã cho bói trái và anh bán giá 46.000 đ/kg, thu được 20 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi da xanh hiệu quả
Theo anh Thành, thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá bưởi da xanh còn cao chót vót tới gần trăm ngàn đồng/kg, thấy người ta bán ào ào thu lời bộn nhưng rất tiếc vườn bưởi nhà anh trái vẫn còn nhỏ.
Đến nay anh Thành đã có thể xử lý được vườn bưởi cho ra bông và đậu trái bất cứ lúc nào. Do đã xác định được giống cây chủ lực nên anh đang tập trung tự chiết cành bưởi nhân rộng hết diện tích vườn còn lại trồng chuyên canh bưởi da xanh.
Đồng thời, anh còn vận động thêm nhiều hộ dân xung quanh cùng trồng giống bưởi này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con.
NHÂN RỘNG
Ban đầu bưởi da xanh chỉ là một cây trồng phụ nhưng đến nay đã phát triển mạnh và trở thành cây trồng chủ lực trên vùng đất Hưng Lộc. Hơn nữa, do mấy năm gần đây cà phê mất mùa, giá cả bấp bênh; ngược lại, giá bưởi da xanh lại tăng cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Do vậy, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển dần sang trồng bưởi da xanh thay thế cây trồng khác.
Nhiều năm qua khu vườn tạp 1,2 ha của hộ anh Nguyễn Thiện Liêm (Mười Liêm), ấp Hưng Hiệp thường trồng nhiều loại cây như ổi, tiêu, chanh xen canh với cà phê… Tuy nhiên, đầu tư vào cây nào cũng thấy bấp bênh, anh chẳng biết nên bỏ cây nào, giữ cây nào để tập trung phát triển ổn định.
Khi được đi giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng bưởi da xanh thành công trong huyện và xã, Mười Liêm bắt đầu quyết tâm về cải tạo vườn tạp nhà mình. Năm 2010, anh mạnh dạn trồng thử 130 gốc bưởi da xanh xen với các loại cây trong vườn. Đến nay, vườn bưởi của anh đã được 4 năm tuổi, đang phát triển tốt và bắt đầu cho bói trái.
“Nhiều năm trước, người dân trong vùng không ai nghĩ có thể trồng được bưởi da xanh ở đây. Tuy nhiên, nhiều hộ trong xã mạnh dạn chọn bưởi da xanh để chuyển đổi cây trồng, mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình. Cùng với mở rộng diện tích bưởi da xanh, địa phương đang vận động bà con tham gia thành lập các tổ hợp tác, liên kết SX để tạo tiền đề xây dựng các mô hình SX bưởi da xanh tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Bùi Minh Phương nói. |
Chỉ vào những gốc bưởi đang trĩu quả, Mười Liêm hào hứng nói: “Lúc đầu tưởng chỉ là cây trồng phụ xen canh cho… vui, ai ngờ nay giống bưởi này phát triển mạnh hơn cả mấy cây khác trong vườn và bắt đầu cho thu hoạch rồi.
Để đạt hiệu quả cao, ngoài chọn giống còn phải có kỹ thuật chăm sóc tốt và đúng quy trình. So với các loại cây khác, bưởi da xanh ít bị bệnh, chủ yếu là do sâu vẽ bùa ăn hại lá non, sâu hồng hại trái, nên ngoài bón phân thì kết hợp phun thuốc trừ sâu. Đến khi cây có bông phải phun thuốc dưỡng bông, dưỡng trái".
Ông Phan Văn Xích, người đầu tiên đem giống bưởi da xanh ươm mầm trên vùng đất Hưng Lộc kể rằng: "Vốn là người đam mê “nghiệp vườn”, tôi biết thổ nhưỡng quê mình hợp cây bưởi da xanh nên đã xuống huyện Mỏ Cày (Bến Tre) để mua cây giống mang về trồng xen trong vườn cà phê, tiêu.
Khi thấy cây phát triển tốt, tôi mạnh dạn nhân rộng mô hình trồng bưởi thay thế cà phê, tiêu già cỗi. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn bưởi rộng 2 ha của tôi phát triển tốt, 2 năm qua thu hoạch ổn định".
Nhà vườn tự chiết nhánh bưởi để nhân rộng mô hình
Ông Xích cho biết, đến kỳ thu hoạch bưởi, thương lái vào vườn tự hái với giá bán trung bình bưởi loại 1 từ 35.000 - 40.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lời trên 400 triệu đồng/năm.
Theo kinh nghiệm của ông, trồng cây chiết sẽ bền hơn cây ghép và nên trồng cho bầu cây cao hơn mặt đất chừng 5 phân, để sau này dễ làm bông, xử lý cho ra hoa mùa nghịch; đào hố đúng kích thước, bón đủ phân chuồng, phân lân và vi lượng thì cây lớn nhanh và cho trái sớm.
Anh Bùi Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc cho biết: “Trước đây, diện tích bưởi trên địa bàn xã Hưng Lộc chỉ có khoảng 10 ha. Vậy nhưng, vài năm gần đây khi giá bưởi cao, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng bưởi da xanh.
Đến nay, cây bưởi đã là một trong những cây trồng chủ lực, được hỗ trợ giống, hệ thống tưới, phân bón nên người nông dân càng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng”.
Theo ông Phương, diện tích cây bưởi da xanh ở xã Hưng Lộc đang tăng mạnh. Đã có hơn 40 hộ trồng bưởi da xanh theo hình thức chuyên hoặc xen canh với diện tích khoảng 50 ha. Do giá bán luôn ổn định, cây bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá hấp dẫn cho người trồng.
theo: nongnghiep.vn