Cách mạng 4.0: Con người sẽ không trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo
- Thứ ba - 11/09/2018 10:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệpkhởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra sáng 11/9 là sự kiện đầu tiên của Hội nghị WEF ASEAN 2018, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Diễn đàn mở với chủ đề "ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" sáng 11/9 |
Phát biểu mở đầu Diễn đàn mở, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF đánh giá, tiếp nối cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã mở ra kỷ nguyên về công nghệ số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự khác biệt khi nâng tầm công nghệ một cách toàn diện hơn, bao gồm nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, y học chính xác…
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, liên lạc, tiêu dùng, truyền thông…, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới tất cả hoạt động mà còn tác động tới bản thân mỗi con người, dẫn đến sự kết hợp hòa trộn giữa thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học.
Một trong những sự khác biệt căn bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tốc độ và nội hàm; từ đó làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội. Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Giáo sư Klaus Schwab phát biểu tại Diễn đàn mở |
Để sẵn sàng cho sự thích ứng này, theo Giáo sư Klaus Schwab, điều kiện tiên quyết là cần ý thức được đúng mức tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường sự hiểu biết về những điều đang diễn ra xung quanh; đồng thời huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho việc nắm bắt các cơ hội.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội; cởi mở trước những sự thay đổi.
Nhận định về những e ngại về vấn đề nhiều việc làm sẽ mất đi khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển, ông Klaus Schwab bày tỏ quan điểm rằng, nhiều cơ hội việc làm mới sẽ xuất hiện, quan trọng là mỗi cá nhân cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết.
Thế hệ trẻ chính là những người sẽ thích ứng và ứng dụng công nghệ mới nhanh nhất. Đây là nền tảng cần thiết khi xây dựng hệ sinh thái về tinh thần doanh nhân. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia bởi đây chính là động lực của công nghệ mới.
Trước các sinh viên Việt Nam, Giáo sư Klaus Schwab kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam và thế giới tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại; bởi thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần trở thành nhân tố làm chủ công nghệ mới hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội.
Ông Klaus Schwab cho biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới đang hợp tác trong nhiều dự án mới để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có môi trường trao đổi sáng tạo và tương tác với nhau hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn mở |
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.