Cảnh giác với phân bón kém chất lượng

Cảnh giác với phân bón kém chất lượng
Thời gian qua, tình hình sản xuất - kinh doanh phân bón trên địa bàn Gia Lai diễn ra khá sôi động, song cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là nạn sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phổ biến, gây thiệt hại cho nông dân.

Vườn tiêu của ông Lưu Văn Thọ ở làng Rong, xã Nghĩa Hưng (Chư Pảh)không thể phát triển do phân kém chất lượng.

Gia Lai có khoảng 480.000ha đất nông nghiệp, trong đó cây công nghiệp dài ngày có trên 200.000ha nên nhu cầu phân bón khá cao. Nếu tính theo định mức thì nhu cầu phân vô cơ khoảng 350.000 tấn/năm, phân hữu cơ khoảng 3 triệu tấn/năm. Tính đến tháng 7/2012, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy sản xuất phân bón, chủ yếu là sản xuất phân hữu cơ vi sinh và 300 cửa hàng, đại lý bán lẻ phân bón các loại.

Có một thực tế là việc sản xuất, kinh doanh phân bón khá đơn giản, các cơ sở sản xuất thường tự ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khi đưa vào sản xuất, tiêu thụ, cơ quan chức năng mới tiến hành hậu kiểm. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, chỉ tiêu các chất khoáng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của doanh nghiệp phân bón lớn hoặc sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng rồi tung ra thị trường.

Theo Sở Công Thương Gia Lai, từ năm 2010 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra 144 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có 7 nhà máy sản xuất và 95 cơ sở kinh doanh vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,127 tỷ đồng. Đa số các trường hợp vi phạm đều không thực hiện đúng quy trình, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ở một số nơi dây chuyền sản xuất chỉ là cuốc, xẻng rồi trộn thủ công.

Điển hình như cơ sở kinh doanh Minh Hoan tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai), nơi chuyên kinh doanh phân hữu cơ sinh học Cao Nguyên Xanh do Công ty cổ phần Môi trường Hà Nội sản xuất. Qua kiểm tra thấy, cơ sở này có hành vi vi phạm về chất lượng phân bón khi hàm lượng nitơ chỉ đạt 80% so với đăng ký, độ ẩm vượt mức chỉ tiêu định lượng và đã bị xử phạt 45 triệu đồng, buộc tái chế 35 tấn phân bón kém chất lượng. Hay như Doanh nhiệp tư nhân Ánh Dương tại 412 Hùng Vương (thị trấn Chư Sê), nhãn hiệu hàng hóa không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc, doanh nghiệp này bị xử phạt 73,5 triệu đồng, buộc tái chế 55 tấn phân bón kém chất lượng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Sê Công tại số 9 Phan Bội Châu (TP. Pleiku) cũng sản xuất phân bón không đạt mức chỉ tiêu định lượng bắt buộc, bị xử phạt 70 triệu đồng và buộc phải tái chế 1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh LV-VIII 0-3-0 không đảm bảo chất lượng; Công ty TNHH Hải Phong, địa chỉ tại lô E2+E4 khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), sản xuất phân hữu cơ vi sinh LV-VI 1-3-1 không đạt mức định lượng cho phép, bị xử phạt 53 triệu đồng và buộc tái chế 20 tấn phân không đảm bảo chất lượng…

Để tránh mua phải phân bón giả và kém chất lượng, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên chọn mua phân bón của công ty có thương hiệu và uy tín; bao bì phải có nhãn mác bằng tiếng Việt; không mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và xem xét kỹ các chỉ tiêu ghi trên bao bì. Bà con cũng nên làm cam kết với đại lý bán sản phẩm, nếu mua nhầm sản phẩm giả, kém chất lượng thì đại lý chịu trách nhiệm, đồng thời liên tục cập nhật thông tin về thương hiệu và giá cả phân bón trong nước cũng như thế giới để có lựa chọn sáng suốt nhất.

Hương Trà

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn