Cây trồng được chứng nhận VietGAP còn quá ít
- Thứ ba - 24/11/2015 08:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến năm 2015, cả nước có tổng diện tích canh tác rau khoảng 881,2 nghìn hecta, sản lượng đạt 15 triệu tấn rau các loại. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4%/năm; một số tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, diện tích rau an toàn, rau VietGAP còn quá ít. Chính vì vậy, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng các loại rau chưa đạt chất lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để có sản phẩm rau an toàn, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân và lợi ích của việc dùng rau an toàn, việc tổ chức sản xuất, thanh tra, kiểm soát chặt quá trình sản xuất rau an toàn và giải quyết triệt để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng là giải pháp quan trọng để đảm bảo phát triển ngành rau an toàn. Mặt khác, rau an toàn, rau VietGAP do chưa có kênh phân phối, chưa có nhận diện thương hiệu, khó kiểm soát trên toàn chuỗi nên thường bị đánh đồng với những loại rau chưa đạt chất lượng khác. Từ đó, khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin, không biết phải mua rau đảm bảo chất lượng ở đâu, hệ lụy đến người làm rau theo tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, diện tích chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực đến tháng 11 năm 2015 là 25.822,63 ha (1.673 cơ sở), trong đó rau 3.146,1 ha; quả 12.791,91 ha; lúa 698,6 ha; chè 9.065,02 ha; cà phê 121 ha.
Theo ông Dư, hiện nay người tiêu dùng chỉ phân biệt được rau an toàn khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp tham gia vào sản xuất rau an toàn do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, bởi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao. "Để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất rau an toàn, cần phải thay đổi tư duy, xác định an toàn thực phẩm là vấn đề an sinh xã hội, Nhà nước phải đầu tư, vào cuộc mới giải quyết triệt để được vấn đề này”, ông Dư nói.
Trang trại hữu cơ (Organica) của công ty CP Thương mại – Dịch vụ Mùa tại Đồng Nai
Hiện nay, một số tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất an toàn tập trung như: sản xuất thanh long ở Bình Thuận (diện tích chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực là 8.488,3ha), vải thiều ở Bắc Giang (diện tích chứng nhận VietGAP là 1.124,42ha), chè ở Phú Thọ (diện tích chứng nhận VietGAP là 1.954,18ha).
Ngoài ra, còn một số mô hình sản xuất rau, quả, chè, lúa gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có mô hình được chứng nhận theo hệ thống PGS tại Hà Nội, Hòa Bình,… Một số cơ sở sản xuất đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (sản phẩm rau, chè tại Lâm Đồng; chè tại Lào Cai).
Về lĩnh vực chăn nuôi, đã cấp chứng nhận VietGAP cho 184 cơ sở (25 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô 75.400 con, 36 cơ sở chăn nuôi gà với quy mô 21.693.300 con, 02 cơ sở chăn nuôi bò sữa với quy mô 1.220 con, 121 cơ sở nuôi ong với quy mô 106.450 đàn).
Lĩnh vực thủy sản, các tổ chức chứng nhận đã cấp chứng nhận cho 59 cơ sở nuôi áp dụng VietGAP, trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra với diện tích khoảng 223,6ha, tôm nước lợ là 24 cơ sở với diện tích là 220,8ha, đối tượng khác là 5 cơ sở, diện tích 0,82ha.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đang rà soát lại toàn bộ quy định về chứng nhận rau VietGAP và rau an toàn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, gom nông hộ vào tổ hợp, hợp tác xã để vừa dễ quản lý, vừa kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Từ đó, mới giúp ổn định và mở rộng diện tích trồng rau VietGAP, rau an toàn, vừa nâng cao thu nhập cho người trồng và cũng tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Quang Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn