Cây trồng biến đổi gen, lựa chọn và thách thức: Công bố giật mình và phản đối rầm rộ

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp, do nhà sinh vật học phân tử Gilles-Eric Seralini làm trưởng nhóm, được xuất bản trên Tạp chí Thực phẩm & Hóa chất cho thấy, sau 2 năm được nuôi bằng loại ngô biến đổi gen kháng thuốc diệt cỏ- NK603 thì có đến 50-80% chuột bị ung thư. Công bố này bị nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ trích là hồ đồ vì thiếu… cơ sở khoa học.


Khu vực khảo nghiệm ngô biến đổi gen

Xin được tóm tắt thí nghiệm đầy tai tiếng này như sau: Ông Gilles-Eric Seralini cùng đồng sự đã đem 200 con chuột đực và cái chia làm 10 nhóm, mỗi nhóm 10 con. Một nhóm đối chứng được cho ăn thực phẩm thông thường dành cho chuột, trộn thêm 33% ngô không biến đổi gen và nước. Ba nhóm khác cũng được nuôi bằng thức ăn thường và nước có pha tăng liều lượng thuốc diệt cỏ Roundup. Sáu nhóm còn lại được cho ăn bằng thức ăn dành cho chuột và trộn thêm 11,22 hoặc 33% ngô biến đổi gen NK603, có thể được phun thuốc diệt cỏ Roundup hoặc không trong khi trồng.

Qua thí nghiệm, các nhà nghiên cứu quan sát và nhận ra cả ngô biến đổi gen NK603 và thuốc diệt cỏ Roundup đều có tác động tương tự đến sức khỏe của chuột. Nhiều con, nhất là chuột cái bị chết non hoặc mắc bệnh. Vấn đề sức khỏe cũng trở nên trầm trọng đối với những con chuột đực khi chúng bị tổn thương ở gan, phát triển các khối u ở da, bị các vấn đề ở thận, hệ tiêu hóa…

Các nhà nghiên cứu này khẳng định ngô biến đổi gen và thuốc diệt cỏ Roundup có thể gây rối loạn hormone theo cùng một cơ chế sinh lý và hóa sinh. Nói tóm lại ngô biến đổi gen cũng có tác dụng xấu như hóa chất độc hại khi sử dụng sẽ gây cơ chế kích thích khả năng ung thư và phát sinh nhiều bệnh tật.

Việc công bố kết luận nghiên cứu này làm dậy sóng nhiều câu hỏi xung quanh tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen, cũng như sự đảm bảo của các chính phủ và các công ty công nghệ sinh học đối với những sản phẩm bán trên thị trường. Nếu như trước đây các thông tin phản đối cây trồng biến đổi gen thường chỉ là những dạng “tin rác” trên mạng với những thông tin chung chung, cảnh báo cũng chung chung thì việc Tạp chí Thực phẩm & Hóa chất đăng tải công bố về chuột ung thư khi ăn ngô biến đổi gen đã tạo một cơn "địa chấn" về truyền thông.

Nó mang cái vỏ là nghiên cứu khoa học chứ không phải là dạng thông tin “lá cải”, giật gân, câu khách nên hút mạnh sự quan tâm của dư luận. Phe chống lại cây trồng biến đổi gen càng được thể khi có hẳn một “bằng chứng khoa học” rành rành về tác hại ghê gớm của cây trồng biến đổi gen để lôi kéo dư luận, đánh mạnh vào lòng hồ nghi. Không lâu sau đó, giới khoa học toàn cầu rầm rầm phản biện lại kết luận đó.

Các nhà khoa học độc lập, trong đó có Giáo sư Maurice Moloney- Giám đốc Viện Nghiên cứu Rothamsted (Anh) đã chỉ trích việc lựa chọn loài chuột trắng Sprague-Dawley này để nghiên cứu. Loài chuột này có vòng đời 2 năm thường xuyên bị xuất hiện các khối u dạng này khi ăn quá nhiều và không được kiểm soát. Trên thực tế, 86% chuột đực và 72% chuột cái loại này thường xuyên bị ung thư khi sống đến năm thứ 2. Thế nên ngay từ “đầu vào” các nhà khoa học Pháp đã chọn sai đối tượng để nghiên cứu thì “đầu ra” của công trình sẽ bị sai lệch, trở thành không có ý nghĩa.

GS Mark Tester, Đại học Adelaide (Australia) nhấn mạnh: “Nhóm của Seralini chỉ nên kết luận: "Các con chuột thí nghiệm già xuất hiện khối u và chết" vì thuốc trừ cỏ và ngô chuyển gen đều không phải là nguyên nhân gây nên khối u. Ở các liều lượng khác nhau, các phép thử khác nhau, kết quả đều cho thấy không có sự khác biệt… Năm 2009, Ban chuyên gia về sinh vật biến đổi gen thuộc Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu kết luận rằng ngô NK603 “an toàn như ngô thông thường”.

 

+ Bản thân trước đây, Tạp chí Thực phẩm & Hóa chất cũng đã xuất bản kết quả nghiên cứu khẳng định “không tồn tại ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của chuột ăn ngô chuyển gen” với thời gian nghiên cứu ngắn hơn (cụ thể là 90 ngày-đây là quãng thời gian nghiên cứu tiêu chuẩn trên loài chuột).

+ Ngay cả tạp chí nổi tiếng Forbes cũng nhảy vào cuộc tranh luận nảy lửa với câu hỏi được đặt ra rằng nếu ngô biến đổi gen gây ung thư thì tại sao tỷ lệ ung thư ở Mỹ lại không cao hơn so với châu Âu trong khi người dân châu Âu ăn ít thực phẩm biến đổi gen hơn Mỹ?

GS. Anthony Trewavas ở Đại học Edinburgh (Anh) chất vấn về phương pháp tiến hành thí nghiệm. Ông cho rằng thí nghiệm chỉ sử dụng 200 con chuột, mỗi nhóm chỉ có 10 con. Số lượng mẫu nghiên cứu này quá ít để đưa ra kết luận ý nghĩa. Theo chuẩn nghiên cứu của OECD thì số lượng mẫu cần có trong thí nghiệm là 50 con mỗi nhóm. Hơn nữa, về nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp so sánh nào, số lượng mẫu đối chứng cũng phải bằng với số lượng mẫu thử nghiệm.

Tỷ lệ so sánh như của Gilles-Eric Seralini là khập khễnh. TS. Wendy Harwood ở Trung tâm nghiên cứu John Innes (Anh) thắc mắc về chế độ ăn và tỷ lệ trộn ngô trong thí nghiệm. Tỷ lệ ngô biến đổi gen trong khẩu phần ăn thấp nhất là 11% - trong khi đó, đối chứng là chuột ăn 33% ngô không biến đổi gen và nước. Do đó, tỷ lệ so sánh không hợp lý.

Liệu chế độ ăn với mức ngô như trong thí nghiệm có bình thường đối với chuột không? Một thí nghiệm đối chứng với một chế độ ăn tương tự cũng cần phải thiết kế để so sánh. Không có số liệu từ nhóm đối chứng ăn ngô truyền thống (hoàn toàn không biến đổi gen) nên rất khó kết luận về kết quả thu được của nhóm nghiên cứu.

GS. Maurice Moloney, Giám đốc Viện Nghiên cứu Rothamsted phủ định kết luận về cơ chế gây rối loạn hormone giống nhau của ngô biến đổi gen và thuốc diệt cỏ Round-up: “Từ góc độ dược học, kết quả nhóm nghiên cứu tìm thấy về ảnh hưởng tương tự nhau ở các liều lượng khác nhau của cả hai thử nghiệm với thuốc trừ cỏ và ngô chuyển gen chống chịu thuốc trừ cỏ là hoàn toàn không đúng. Trên thực tế, các chất gây hại sẽ có ảnh hưởng xấu hơn khi sử dụng ở liều cao hơn. Đây là yếu tố cần thiết để chứng minh tác nhân gây ra ảnh hưởng”.

Theo nongnghiep.vn