Cây xóa nghèo
- Chủ nhật - 18/08/2013 10:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hỗ trợ theo nhu cầu
Là một huyện miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, huyện Mường Nhé có trên 74.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy việc trồng ngô lai cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đồng bào dân tộc mới đây đã mạnh dạn đề xuất với Phòng Dân tộc huyện cấp ngô giống cho họ. Hiện cây ngô đang trở thành cây trồng chủ đạo và mở ra hướng đi thoát nghèo cho người dân.
Thương lái vào tận xã thu mua ngô của bà con. |
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé Lò Văn Hùng, trước đây đồng bào các dân tộc ở huyện chủ yếu trồng lúa nương và giống ngô địa phương, nhưng năng suất bấp bênh, kém hiệu quả. Để giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo, huyện đã tìm nhiều giống cây đưa vào sản xuất nhưng rất ít cây trụ được, bởi đất xấu khô cằn, thiếu nước. Từ khi đưa vào sản xuất đến nay, chỉ thời gian ngắn, cây ngô đã trở thành cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp của bà con.
Hướng đi có hiệu quả
Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 102, năm 2013, Mường Nhé hỗ trợ giống ngô lai LVN10 cho 7.253 hộ, với 41.395 khẩu, ở 16/16 xã của huyện, kinh phí trên 3,1 tỷ đồng. Đây là giống ngô cho năng suất cao, bán được giá hơn so với các giống ngô địa phương.
Anh Vừ Sính Khua đang chăm sóc ruộng ngô lai của mình đã cao ngang đầu gối, kể: “Năm nay là năm thứ 2 gia đình tôi được hỗ trợ giống ngô lai. Năm trước cũng trồng giống ngô LVN10 này, cho năng suất và chất lượng cao, bán lại được giá. Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi cũng trông vào cây lúa, bắp ngô trên nương, nhưng năng suất thấp vì sử dụng các giống lúa, ngô của địa phương. Không ít vụ thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh nên mất mùa, một năm thiếu đói 3 - 4 tháng. Được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, cán bộ xã, trưởng bản xuống tuyên truyền chính sách và hướng dẫn, chúng tôi đăng ký các giống ngô, lúa phù hợp để sản xuất, ngoài ra còn được hỗ trợ với định mức 5 kg muối iốt/người/năm. Có giống mới, lại được cán bộ khuyến nông huyện Mường Nhé hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên năng suất lúa, ngô tăng lên. Không chỉ đủ lương thực, tôi còn bán đi 1 phần để sắm sửa một số vật dụng thiết yếu trong gia đình. Nhờ đó mà cuộc sống không còn khó khăn như trước".
Anh Vừ Sính Khua chỉ là một trong số hàng nghìn hộ được tiếp sức từ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo có cuộc sống no đủ hơn trên địa bàn huyện Mường Nhé.
Còn anh Giàng Giống Chá, bản Nậm Pố, xã Mường Nhé cho biết: "Từ khi trồng cây ngô lai đến nay thu nhập của gia đình tôi đã cải thiện hơn trước rất nhiều. Thời gian đầu tôi có gặp nhiều khó khăn vì ngô trồng trên đất xấu, nhưng nhờ được sự hướng dẫn, theo dõi của cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện nên cây phát triển tốt. Theo nhẩm tính, riêng vụ đông gia đình tôi thu được 30 triệu đồng tiền lãi từ bán ngô tươi. Nay nhiều bản đã có đường ô tô nên các tiểu thương vào tận bản thu mua. Ngoài ra thân, lá gia đình tôi còn tận dụng làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông".
Việc hỗ trợ trực tiếp giống ngô lai LVN10 cho bà con không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn quay vòng hệ số sử dụng đất, không để đất bị ngắt quãng và tránh được thời tiết xấu. Ông Lò Văn Hùng khẳng định: Đến thời điểm này có thể thấy cây ngô đang là cây trồng mở ra hướng đi mới hiệu quả, thiết thực cho người dân. Việc trồng thành công cây ngô trên diện tích đất xấu kém hiệu quả đã đáp ứng thời vụ cây vụ hè thu, góp phần tăng tổng sản lượng lương thực trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phòng Dân tộc phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên khảo sát, mở nhiều lớp tập huấn và trực tiếp tới xã hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô cho bà con.
Việc đưa giống ngô lai vào trồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào nghèo ở Mường Nhé, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 66,68%, năm 2011 xuống còn 63,19%, năm 2012 và hy vọng với bước đi đúng, năm 2013 huyện Mường Nhé, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm 5% như mục tiêu đề ra.
Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, cấp phát đầy đủ, kịp thời đảm bảo chất lượng các mặt hàng hỗ trợ thiết thực giúp bà con bớt phần khó khăn trong cuộc sống. Ban Dân tộc tập trung hỗ trợ các giống cây trồng ngắn ngày, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa ở từng địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, ổn định đầu ra, để nâng cao đời sống người nghèo vùng khó khăn. Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, Hoàng Quý |
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Nguồn baotintuc.vn