Chắc ăn từ ngô lai DK6919

Chắc ăn từ ngô lai DK6919
Là giống ngô lai nhập khẩu từ Hoa Kỳ, DK6919 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống cây trồng mới theo QĐ số 168/QĐ-TT-CLT ngày 14/5/2012. Với đặc tính chống hạn tốt, sạch bệnh, đặc biệt là ngắn ngày, chịu trồng dày, cho năng suất cao, DK6919 đang trở thành lựa chọn thông minh của nhiều nông dân.

Tham quan mô hình trồng ngô lai DK 6919.

Thích ứng rộng, chịu trồng dày

Theo Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, giống ngô lai DK6919 có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống ngô nội địa, đặc biệt là có thời gian sinh trưởng ngắn nên rất thích hợp để trồng thâm canh, tăng vụ và trồng trong vụ đông. Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL giống này cho thu hoạch sau 90 - 95 ngày gieo; ở Tây Nguyên là 102-105 ngày; miền Bắc dưới 110 ngày (tùy từng vụ). Do đó, sau một thời gian ngắn du nhập vào Việt Nam, giống này đã nhanh chóng được nhiều tỉnh, thành đưa vào cơ cấu giống của mình như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung. Cũng nhờ đặc tính ngắn ngày nên giống ngô này rất “an toàn” và chắc ăn để bà con các tỉnh phía Bắc trồng trong vụ đông.

Khi DK6919 mới được đưa vào Việt Nam, Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đưa giống ngô lai này vào gieo trồng trong vụ đông 2011 tại huyện Anh Sơn và sau vụ thu hoạch đầu tiên, DK6919 đã giành được niềm tin của bà con nông dân nhờ khả năng thích ứng rộng, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu bất lợi, tiềm năng năng suất cao nhờ chịu trồng dày, lá thẳng đứng, mật độ từ 80.000 - 85.000 cây/ha, tức khoảng 16 - 19kg hạt giống/ha (các giống khác gieo khoảng 55.000 cây/ha), tỷ lệ 2 bắp/cây đạt 70%.

Qua nhiều vụ đưa vào sản xuất tại các vùng miền trên cả nước cho thấy, DK6919 là giống có khả năng chịu hạn cục bộ khá tốt, chịu rét và chống chịu sâu bệnh tốt (nhất là các bệnh gỉ sắt, đốm nâu, đốm lá, cháy lá lớn, cháy lá nhỏ…). Ngoài ra, DK6919 còn có khả năng chịu được úng, chống đổ, thích ứng trên nhiều chất đất và vùng khí hậu, sinh trưởng khỏe, do đó bà con không phải tốn nhiều chi phí cho khâu chăm sóc, phân bón cũng như thuốc trừ sâu bệnh.

Năng suất cao

Do trồng được cả mùa mưa và mùa khô, lại có thể trồng được 3 vụ/năm nên bà con nông dân có thể thoải mái chọn đưa DK6919 vào trồng trên đất của gia đình. Theo đánh giá tại mô hình trồng DK6919 ở các thôn Tông Pọng 1, Tông Pọng 2, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) thì giống có độ đồng đều cao, chống đổ tốt; hạt múp đầu trái (99,9%); tỷ lệ tách hạt cao, lá bi kín tới 99,9% nên ít bị nảy mầm trong điều kiện thời tiết ẩm hoặc mưa, do đó bà con có thể để khô bắp trên cây. Năng suất thực thu của giống tại mô hình đạt 67 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 10 tạ/ha. Ngoài ra, giống này có hạt màu vàng cam “siêu” đẹp, hạt to đều nên rất dễ bán. Hiệu quả kinh tế của giống DK6919 cao hơn giống đối chứng là 7,2 triệu đồng/ha.

Về lượng phân bón cho 1ha, gồm 150 - 200kg phân DAP, 200 - 300kg urê, 100 - 150kg kali, hoặc bà con có thể bón theo công thức supe lân 400 - 600kg, urê 300-400kg, ka li 100 -150kg. Bà con cần chú ý phòng ngừa sâu đục thân cho ngô bằng cách phun thuốc Sairiphos 585EC; phòng ngừa sâu đục bắp bằng cách rải thuố Sago-Super 3G hoặc bỏ 3 - 5 hạt Diaphos trên loa kèn vào lúc ngô được 20 ngày và 40 ngày sau khi gieo.

Chú ý giữ ẩm cho ruộng trồng ngô ở 3 thời kỳ, gồm: khi ngô 6-7 lá; ngô xoắn nõn (trước trổ cờ 10 - 12 ngày); khi ngô thụ phấn xong - chín sữa (sau trổ cờ 10-15 ngày).

Minh Huệ

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn