Chất dinh dưỡng của đất có thể hạn chế khả năng của cây trồng trong việc giảm biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu trường Đại học Montana cho thấy trong bối cảnh lượng các-bon điôxit trong khí quyển ngày càng tăng, sự tăng trưởng của thực vật sẽ bị giảm do các chất dinh dưỡng trong đất hạn chế.
Chất dinh dưỡng của đất có thể hạn chế khả năng của cây trồng trong việc giảm biến đổi khí hậu

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Nghiên cứu này được thực hiện cùng với các đối tác tại Đại học Colorado và Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương.

Cleveland và các đồng tác giả nghiên cứu đã xem xét 11 mô hình khí hậu hàng đầu để kiểm tra những thay đổi trong lượng nitơ và phốt pho. Họ phát hiện ra rằng lượng nitơ hạn chế sẽ làm giảm 19% sự hấp thu CO2 của cây trồng, trong khi cả nitơ và phốt pho bị giới hạn sẽ làm giảm 25% sự hấp thu này.

Hầu hết các mô hình khí hậu hàng đầu thế giới đều cho rằng cây trồng sẽ đáp ứng với mức tăng CO2 trong khí quyển bằng cách phát triển mạnh hơn nữa. Cây càng phát triển mạnh, lượng CO2 cây hấp thụ từ khí quyển càng tăng, từ đó làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Cleveland cho biết: “Chất dinh dưỡng trong đất - đặc biệt là nitơ và phốt pho - cũng rất quan trọng. Do số lượng các chất dinh dưỡng như vậy là có hạn, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự tăng trưởng của cây sẽ thấp hơn mức dự đoán trong các mô hình khí hậu”.

Ông cho biết hầu hết các mô hình khí hậu cho đến nay đã không tính đến các chất dinh dưỡng vì các quá trình sinh hóa như vậy rất khó để mô phỏng và chúng thay đổi rất nhiều ở từng loại hệ sinh thái. Mô hình cộng đồng Hệ thống Trái đất từ Trung tâm quốc gia nghiên cứu khí quyển, đồng tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia và Bộ Năng lượng Mỹ, là một trong những mô hình đầu tiên xem xét vai trò của các chất dinh dưỡng của đất trong các mô hình được sử dụng để dự báo biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mô hình khí hậu hàng đầu thế giới đã được sử dụng trong một nghiên cứu quốc tế trước đó. Họ tập trung vào cách thức mô hình đại diện cho tăng trưởng thực vật trong các khu vực địa lý cụ thể, so sánh mô hình này với những thay đổi trong lượng nitơ và phốt pho được tạo nên bởi sự lắng đọng của các hạt trong không khí và các yếu tố khác.

Cleveland cho biết: “Chúng tôi thấy rằng thay vì đóng vai trò như một bể chứa các-bon và giảm lượng CO2, các hệ sinh quyển trên mặt đất có thể trở thành một nguồn khí nhà kính trong bầu khí quyển vào cuối thế kỷ này, với các vi khuẩn đất giải phóng các-bon nhiều hơn cây trồng có thể hấp thụ. Để lưu trữ nhiều các-bon trên mặt đất, các cây trồng sẽ cần nhiều nitơ và phốt pho. Nếu không, cây trồng không thể đóng góp được nhiều vào quá trình giảm biến đổi khí hậu”.

Nguồn: iasvn.org