Châu Thành - An Giang: Đa dạng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC
- Thứ ba - 25/02/2020 03:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đã tích cực chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho bà con nông dân. Đặc biệt là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai đa dạng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau. Điển hình như mô hình trình diễn trồng nấm rơm dạng trụ, mô hình trồng măng tây xanh, mô hình trồng đậu nành rau, mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao…
Thông tin về hiệu quả của mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao, ông Lê Ngọc Quỳnh- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết: “Đây là mô hình nằm trong dự án “Nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao sử dụng thức ăn công nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai. Mô hình được thực hiện tại xã Vĩnh Bình với quy mô 20 m2, mật độ 200 con/m2. Ước tính sau 12 tháng nuôi, trọng lượng lươn khi thu hoạch đạt 250- 300 g/con. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg thì sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu được từ 30 - 40 triệu đồng”.
Song song đó, tiếp tục phát huy những hiệu quả kinh tế mang lại của các mô hình trồng nấm rơm, trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng nấm rơm dạng trụ tại xã Vĩnh Thành và xã Vĩnh Lợi. Năng suất bình quân mô hình đạt 4,2 kg/trụ mô, cao hơn so với cách làm truyền thống chỉ đạt 0,8 kg/m mô. Đặc biệt trồng nấm rơm dạng trụ cho năng suất nấm luôn giữ ổn định. Cụ thể đối với 01 trại nấm diện tích 40 m2, chi phí đầu tư là 4 triệu đồng, sản lượng nấm thu hoạch là 120 kg, với giá bán 60.0000 đồng/kg nấm, lợi nhuận thu về là 3,2 triệu đồng.
Cùng với các mô hình trên, mô hình nuôi gà Quý Phi bước đầu cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành, gà Quý Phi được nuôi thử nghiệm thành công tại hộ bà Hồ Thị Lợi, xã Cần Đăng. Qua 6 tháng nuôi cho thấy, giống gà Quý Phi có tính thích nghi cao ở địa bàn, tỷ lệ hao hụt 8,9%, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn là 4,7 kg/1 kg tăng trọng lượng, với giá bán 300.000 - 500.000 đồng/con gà Quý Phi có trọng lượng từ 0,9 - 1,4 kg/con, lợi nhuận thu về từ 180.000 – 380.000 đồng/con.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân, trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cùng với bà con nông dân trên địa bàn đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao với giống cây trồng mới đó là mô hình trồng măng tây xanh tại xã Hòa Bình Thạnh. Cụ thể với 1.000 m2 trồng măng tây xanh, chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu đồng, trồng một lần thu hoạch trong 05 năm, năng suất năm thứ nhất 1.800 kg, với giá bán 40.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 43 triệu đồng.
Với hiệu quả mang lại, trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển giao những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Thông tin kịp thời về chính sách, thị trường cho nông dân, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân yên tâm sản xuất.
Trần Minh Thiện/khuyennongvn.gov.vn