Chương trình IPM, lợi ích kép
- Thứ ba - 30/08/2016 05:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai ứng dụng ở Việt Nam từ năm 1992 tại tỉnh Tiền Giang để đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững là bảo tồn đất đai, nguồn nước, các nguồn di truyền động thực vật, môi trường không bị suy thoái, kỹ thuật phù hợp, nâng cao hiệu quả SX.
IPM sử dụng phương pháp học tập trên đồng ruộng giúp nông dân khám phá, so sánh và lựa chọn kỹ thuật hay công nghệ tổng kết được để ứng dụng vào sản xuất nên nông dân ứng dụng được ngay.
Phương pháp học tập trên đồng ruộng của IPM khác biệt với phương pháp khuyến nông hiện nay là sử dụng công nghệ có sẵn, tổ chức các mô hình với tập huấn ngắn hạn trong nhà và hỗ trợ vật tư nên nông dân chưa có lòng tin, khó ứng dụng.
Từ năm 1992 - 1996 với sự giúp đỡ về kinh phí phương pháp của FAO, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã tập trung đào tạo 46 khóa tại 7 trung tâm cho 1.610 giảng viên IPM và triển khai các lớp học đồng ruộng (FFS) cho các tỉnh trên toàn quốc.
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong triển khai ứng dụng IPM từ năm 1993. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, Nguyễn Duy Hồng chia sẻ: Từ năm 1993 - 2015, bằng nguồn kinh phí của FAO, Hà Nội đã cử đi đào tạo 117 giảng viên IPM lúa, rau. Đào tạo bằng nguồn kinh phí thành phố, huyện 21 khóa IPM lúa với 595 giảng viên; 12 khóa IPM rau với 278 giảng viên. Tổ chức 4.687 lớp FFS, lớp nghiên cứu và lớp mô hình cho 113.403 nông dân.
Chính vì hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường của các lớp học đồng ruộng (FFS), nên đến năm 2015 diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại Hà Nội là 60% (120.000ha/năm). Qua đó, năng suất lúa tăng 16%, chi phí giống giảm 53%, chi phí đạm giảm 33%.
Với cây rau, năng suất tăng 53% (năm 2000: 13,1 tấn/ha, năm 2015: 20 tấn/ha), tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học khoảng 60%, số lần sử dụng thuốc giảm 30%, chi phí sử dụng thuốc giảm 50%, tỷ lệ mẫu rau tại cơ sở sản xuất vượt dư lượng tối đa cho phép trên 1% (hàng năm phân tích đa dư lượng 300 - 1.000 mẫu điển hình). Lượng thuốc BVTV bằng 0,3% so với toàn quốc (Hà Nội: 360 tấn, toàn quốc: 116.500 tấn).
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hồng, Hà Nội đang nhân rộng ứng dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp. Đó là Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) cấy thưa, 1 dảnh/khóm, mạ non, giảm phân đạm, rút kiệt nước.
Nhân rộng giống lúa bản địa thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu điều kiện bất thuận (nếp cái hoa vàng, tám xoan, tám ấp bẹ) với kỹ thuật cấy siêu thưa (4 - 11 dảnh/m2), bón 150kg đậu tương bột/ha (không bón phân hóa học), năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/vụ; nhân rộng lúa hữu cơ với giá trị sản xuất đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Đối với cây rau, áp dụng triệt để các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV, đề cao đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp đề cao lợi ích của người sản xuất thông qua tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí vật tư và công lao động như: Che phủ nilon theo luống trồng rau trái vụ, sâu bệnh rất thấp, giảm tối đa thuốc BVTV, giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm; Bẫy dẫn dụ côn trùng (Flykil) diệt ruồi đục quả họ bầu bí, ruồi đục lá họ đậu, cây ăn quả có múi, ổi…; Bẫy chua ngọt diệt trưởng thành họ ngài đêm như sâu khoang trên rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự, họ đậu,... sâu xanh da láng trên hành, họ đậu, măng tây,...
Tiếp đến là luân canh rau với ngâm nước ruộng 10 ngày diệt bọ nhảy trên rau họ hoa thập tự, bệnh héo xanh họ cà và các bệnh hại trong đất,...; Bẫy pheromone diệt trưởng thành sâu tơ, sâu xanh đục quả cà chua, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư cây trồng.
Đặc biệt, Hà Nội đang nhân rộng bón đậu tương bột, khô dầu đậu tương (không bón phân hóa học) trên các cây trồng, nhất là trên các loại rau. Các biện pháp trên đều đầu tư thấp, hiệu quả cao, cộng đồng dễ thực hiện.
Theo Nguyên Huân/nongnghiep.vn