Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số

Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số
Từ sự đổi thay về phương thức canh tác, đời sống kinh tế của bà con cũng đã ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu K’ho ở  chân núi Langbiang, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã vươn lên làm giàu ngay trên đồng ruộng của mình. Không chỉ góp phần thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm của bà con trong khu vực, mà còn giúp chính quyền địa phương định hướng chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Từ sự đổi thay về phương thức canh tác, đời sống kinh tế cũng đã ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây có trị giá hơn 600 triệu đồng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Cill Nôm, ở buôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, 5 năm về trước, gia đình ông vẫn còn là một hộ thuộc diện nghèo. 
 

Chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa nước sang trồng hoa giúp nhiều gia đình vùng đồng bào thiểu số thoát nghèo (Ảnh minh họa)

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng do chính quyền địa phương phát động, 1 ha diện tích lúa nước một vụ cho năng suất thấp đã được gia đình quyết tâm chuyển sang trồng rau, hoa các loại… Chỉ sau một năm từ bỏ phương thức canh tác truyền thống, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất luân canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đời sống kinh tế gia đình của Cill Nôm đã vươn lên rõ rệt.

Trong các năm qua, thu nhập bình quân mỗi năm đạt 300 triệu đồng, riêng năm 2012, nhờ đầu tư được hệ thống tưới phun tự động, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật canh tác, cộng với đầu tư 500 m2 nhà kính sản xuất hoa chất lượng cao đã nâng mức thu nhập lên 500 triệu đồng. Nhờ vậy, tết năm nay, gia đình ông đã tổ chức đón một năm mới trần đầy hạnh phúc trong căn nhà khang trang.

Ông Cill Nôm, nói:Trước, gia đình tôi làm ruộng một năm có một vụ, tình trạng thiếu đói vài tháng là thường xuyên, phải liên tục đi làm thuê làm mướn. Từ khi chuyển diện tích này sang trồng rau các loại thì tình trạng thiếu ăn đã không còn. Thu nhập tăng lên cao, có tiền mua sắm đầy đủ các vật dụng trong nhà, phương tiện đi lại nữa. Giờ đời sống kinh tế đã phát triển đi lên rất nhiều so với trước.

Hiện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở chân núi Langbiang đang tạo nên một làn sóng  thay đổi nhận thức trong tổ chức canh tác theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa.

Là một trong những người vừa tiếp cận với phương thức canh tác mới này, nhưng chỉ sau 2 năm chuyển đổi 5 sào lúa nước sang trồng rau xanh các loại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, anh Đa Guot Noa, ở buôn Đan Kia, xã Lát, huyện Lạc Dương đã nhanh chóng đưa kinh tế gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn.

Khi chưa chuyển sang trồng rau, đời sống gia đình anh chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê và việc đốt than, lấy gỗ trên rừng, có khi phải sống trên rừng cả tháng trời mới về. Đời sống kinh tế rất khó khăn. Từ ngày trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đời sống đã ổn hơn.

“Bây giờ mình vừa tiếp tục học hỏi kỹ thuật canh tác để làm tốt hơn, một mặt kêu gọi, vận động và mong muốn những bà con khác trong buôn làng đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật để áp dụng canh tác, để đời sống ngày càng phát triển đi lên. Nếu cứ giữ cách làm cũ lạc hậu thì sẽ không bao giờ phát triển lên được”, anh Đa Guot Noa chia sẻ.

Hướng đi mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo trung tâm nông nghiệp huyện Lạc Dương, hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở nơi đây đã có hàng trăm hộ gia đình từng bước từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, dần dần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, đã có hơn 2.800 hecta diện tích trồng rau xanh, 500 hecta trồng hoa các loại, với sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng cao.

Ông Hoàng Xuân Hải, phó giám đốc Trung tâm nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, từ những kết quả bước đầu cho thấy, sự chuyển biến nhận thức trong cách nghĩ, cách làm của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay tích cực.

Ông nói: “Trong thời gian tới, trung tâm nông nghiệp của huyện sẽ tăng cường hơn nữa cho UBND huyện. Hàng năm, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xem đây là một trong những hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, trên cơ sở đó đây là điểm tham quan để các hộ dân đến học hỏi, nhân rộng, phổ biến kết quả đạt được cho những hộ dân ở những khu vực, những xã lân cận khác”.

Qua thực tế bước đầu áp dụng có hiệu quả từ phương thức canh tác hiện đại theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở chân núi Langbiang, có thể nói đây là một trong những hướng đi bền vững để nhiều địa phương khác trong khu vực học tập và nhân rộng. Đặc biệt là đối với những khu vực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn chưa chủ động trong đổi mới phương thức làm ăn./.