Chuyển hóa cà chua hỏng thành điện năng
- Thứ bảy - 19/03/2016 01:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối với các nhà khoa học, cà chua hỏng có thể không làm được salad hay nấu canh nhưng nó hoàn toàn không vô dụng chút nào.
Trăn trở vì số lượng cà chua hỏng do quá hạn, hay dập nát, quá lớn tại Florida (Mỹ) - lên đến 396.000 tấn/năm - một nhóm nghiên cứu đến từ Nam Dakota bao gồm sinh viên Trường Mỏ và Công nghệ, Đại học Princeton và Đại học Florida Gulf Coast đã phát triển một mẫu tạo ra pin nhiên liệu lấy nguyên liệu từ cà chua.
Cà chua hỏng tạo ra điện tích có thể giúp giải quyết vấn đề rác thải nông nghiệp cho vùng nông thôn - Ảnh: Flickr
Theo Independent, Giáo sư Gadhamshetty Venkataramana - trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Chúng tôi muốn tìm ra cách xử lý các chất thải này (cà chua hỏng). Bởi khi đổ vào các bãi chôn lấp, chúng có khả năng tạo ra methane - một loại khí nhà kính mạnh, còn nếu đổ vào nguồn nước chúng lại gây ra các vấn đề xử lý nước lớn”.
Một trong những người tham gia dự án Namita Shrestha - nghiên cứu sinh Tiến sĩ Trường Mỏ và Công nghệ thuộc Đại học Princeton nói với Popular Science: “Nhưng chúng tôi lại cũng phát hiện rằng cà chua hỏng hay còn sót lại từ vụ thu hoạch có thể là nguồn năng lượng đặc biệt nếu sử dụng trong pin sinh học (là công cụ sản xuất điện dùng nguồn năng lượng như cacbonhydrat, protein, amino axit, chất béo bằng các enzyme) hoặc pin vi sinh vật điện hóa. Quá trình này cũng giúp thanh lọc các chất thải rắn mà cà chua nhiễm và cả nước thải”.
Nói cách khác, quá trình tạo pin phụ thuộc vào vi khuẩn bởi vi khuẩn cần cho việc phân rã các chất hữu cơ từ chất thải cà chua, và oxy hóa nó để tạo ra điện tích.
Qua đó, chất thải cũng được trung hòa tự nhiên, ngăn chặn việc phát thải khí nhà kính (là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt Trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng Mặt Trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính).
Các nhà nghiên cứu phát hiện cà chua có chứa sắc tố carotene màu đỏ tươi chính là một chất xúc tác tuyệt vời cho việc tạo ra các điện tích.
Mặc dù sản lượng điện từ các thiết bị của nhóm thu được còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt tới khoảng 0.3watts/10miligram rác cà chua nhưng họ khẳng định nếu nghiên cứu nhiều hơn, hoàn toàn có thể tăng sản lượng điện.
Theo tính toán nhóm này chia sẻ trên CNN thì cà chua hỏng của riêng Florida có thể tạo ra điện đủ cung cấp cho Disney World suốt 90 ngày.
Nhóm hi vọng dự án có thể mang lại lợi ích cho người chồng cà chua quy mô lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Alexander Fogg, ngành hóa học Đại học Princeton nói: “Hi vọng là nó (kết quả nghiên cứu) sẽ được áp dụng ở khu vực nông thôn - nơi có nhiều rác thải nông nghiệp và sẽ có ngày bạn chẳng cần phải truy cập vào nguồn cung cấp năng lượng bình thường nữa, nhất là ở các nước đang phát triển”.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Quốc gia của Hiệp hội Hóa học Mỹ lần thứ 251, tổ chức tại San Diego tuần này.
Tạ Ban (BI)
theo Khám Phá