“Cơ giới hóa” đòn bẩy trong sản xuất bắp

Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về cây lúa. Tuy nhiên, vài năm gần đây tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, giá cả luôn biến động ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân. Vì vậy, mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp nhằm tăng thu nhập cho người nông dân là mục tiêu quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh.
“Cơ giới hóa” đòn bẩy trong sản xuất bắp

Nếu so với sản xuất lúa thì việc ứng dụng cơ giới hóa trên cây bắp còn khá khiêm tốn. Vì vậy, giá thành trồng bắp trong nước cao hơn giá thành nhập khẩu từ 400 đến 500 đồng/kg. Theo cục Chăn nuôi khả năng là hết năm 2014, Việt Nam sẽ nhập khẩu trên 4,5 triệu tấn bắp chiếm 2/3 nhu cầu. Việc nhập khẩu bắp gia tăng mạnh không chỉ tạo sức ép tới các hộ nông dân trồng bắp trong nước mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước vì phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.

Trong năm 2014, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư  Đồng Tháp phối hợp Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô (bắp) nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp” từ nguồn kinh phí Dự án khuyến nông Trung ương. Mô hình thực hiện trên diện tích 40ha ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình. Để xây dựng mô hình mang tính hàng hóa và cạnh tranh cao thì việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là rất cần thiết. Trong mô hình HTX đã được hỗ trợ 01 máy đánh rãnh thoát nước tốt, đảm bảo không bị ngập úng khi gặp mưa. Nông dân áp dụng máy đánh rãnh đã giảm khoảng 2 triệu đồng/ha so với đánh rãnh lên liếp bằng tay.

Bên cạnh máy đánh rãnh, gần đây cơ sở cơ khí Phan Tấn, huyện Tháp Mười đã nghiên cứu và cải tiến thành công từ máy gặt đập liên hợp lúa sang thu hoạch bắp (PT-B1.7), máy có thể thu hoạch bắp theo hàng hoặc vuông gốc. Theo kết quả thử nghiệm tại An Giang và Đồng Tháp thì chi phí thu hoạch bắp bằng máy sẽ giảm so với thu hoạch thủ công khoảng 1 triệu đồng/ha. Hiện nay, người trồng bắp đang mong muốn được cơ giới hóa khâu tỉa hạt vì tốn rất nhiều công lao động, cơ giới hóa cả 3 khâu trên trong sản xuất sẽ giải quyết bài toán khó về công lao động hiện nay và giảm giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa còn gặp nhiều khó khăn: Do cơ sở hạ tầng đáp ứng cho cây trồng cạn còn hạn chế, diện tích sản xuất còn manh mún không tập trung,trình độ nông dân còn thấp nên gặp khó khăn trong việc vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân còn thấp nên khả năng đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, để đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất bắp cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, đội ngũ vận hành máy móc lành nghề và quy hoạch sản xuất tập trung có gắn kết tiêu thụ.
 

Nguồn: bannhanong.vn