Công nghệ nhà kính giúp người nuôi tôm tăng hiệu quả kinh tế
- Thứ hai - 24/04/2017 22:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào những ngày cuối tháng ba, khi trời vẫn se lạnh, những người làm nghề nuôi tôm lâu năm ở đây cho biết, nhiệt độ thấp khiến khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn và sức đề kháng của tôm sẽ giảm. Trời lạnh cũng là điều kiện tốt cho vi khuẩn, vi-rút nhất là vi-rút đốm trắng gây bệnh phát triển khiến việc chăm sóc, nuôi tôm vào thời tiết lạnh rất khó khăn.
Tuy nhiên, khi có mặt tại ao nuôi của anh Đỗ Quang Bốn thì mọi việc lại khác hẳn nhờ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao” do Sở KH&CN tỉnh phối hợp Doanh nghiệp Phương Nam do anh làm chủ thực hiện.
Trong ao nuôi của mình, anh Đỗ Quang Bốn thiết kế đổ bê tông xuống đáy ao theo hình lòng chảo, phần đáy được cài đặt hệ thống sục nhằm cung cấp dưỡng khí 24/24 giờ cùng một hố gas để xả cặn hàng ngày. Phần mái ao được anh lợp nhựa bảo đảm che mưa và giữ nhiệt, phía trên là lớp màn che nắng cơ động có nhiệm vụ điều chỉnh ánh sáng khi cần. Ngoài hệ thống cửa sổ thông gió và hệ thống quạt sóng mặt ao, anh Bốn còn cài đặt thêm thiết bị đo độ pH, nhiệt độ nước, đặc biệt là hệ thống máy tự động cho tôm ăn với các chế độ được lập trình theo nhu cầu ăn trong từng giai đoạn phát triển của tôm.
Với diện tích mặt nước 2.000 m2, áp dụng mô hình nuôi tôm của gia đình anh Bốn, dù thời tiết đang là mùa lạnh và không thuận lợi cho việc nuôi tôm nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao, mỗi vụ thu hoạch cho sản lượng từ 3 - 4 tấn.
Anh Đỗ Quang Bốn chia sẻ, để xây dựng được mô hình nuôi tôm này cũng không phải một sớm một chiều, phải thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau, bắt đầu từ mô hình nhỏ rồi tới lớn. Để có được thành công này, phải mất 3 - 4 năm hoàn thiện mới có được cái nhà kính nuôi tôm như thế này.
Nhờ chủ động thực hiện việc kiểm soát nhiệt độ, môi trường nên việc nuôi tôm theo công nghệ này không chỉ giảm bệnh dịch, giúp người nuôi tôm bảo đảm an toàn sản xuất, chủ động được thời điểm thu hoạch mà còn giải quyết được cả hai mục tiêu là năng suất và chất lượng tôm thương phẩm.
Ngoài ra, để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, anh Bốn còn kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm”. Sự kết hợp giữa phương thức này với việc nuôi tôm trong nhà kính theo hướng công nghệ cao đã giúp Doanh nghiệp Phương Nam đưa từ hai vụ nuôi/năm với trọng lượng tôm thương phẩm từ 70 - 75 con/kg theo phương pháp nuôi cổ truyền lên bốn vụ nuôi/năm, trọng lượng tôm là 30 - 35 con/kg sau 105 ngày nuôi... Ngoài ra, để hỗ trợ người nuôi tôm, anh Bốn còn phối hợp Sở KH&CN Thái Bình triển khai mô hình hợp tác – liên doanh liên kết với các hộ nuôi khác.
Ông Phạm Xuân Thảo, Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN Thái Bình cho biết, tạo ra cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp phát triển, mở rộng mô hình và liên kết với các hộ nuôi trồng, để chính doanh nghiệp chuyển giao công nghệ tới các hộ nuôi trồng, sau đó doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm tôm thương phẩm của các hộ đó.
Được biết, nhờ phối hợp chặt chẽ trong cách thực hiện với Sở KH&CN, tới nay tổng diện tích “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính giữa Doanh nghiệp Phương Nam với các hộ nuôi trồng ở Thái Thụy đã lên tới hơn 10 ha và đang tiếp tục mở rộng sang các xã thuộc hai huyện ven biển Thái Bình.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đặc biệt, thủy hải sản thường dễ bị tổn hại bởi các yếu tố biến đổi bất lợi của môi trường tự nhiên khiến nghề nuôi các giống hải sản như tôm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, mô hình công nghệ nuôi tôm trong nhà kính cùng sự liên kết hợp lý giữa doanh nghiệp và ngư dân ở huyện Thái Thụy đang mở ra một hướng mới cho việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển của tỉnh Thái Bình.
Theo www.vasep.com.vn