Công nghệ phủ vữa nhựa polime trong bảo trì đường bộ: “Ngon, bổ, rẻ…”

Công nghệ phủ vữa nhựa polime trong bảo trì đường bộ: “Ngon, bổ, rẻ…”
Công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing trên mặt đường tại một số đoạn, tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bước đầu đã tỏ rõ được tính ưu việt, hiệu quả…

 

Công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhờ có nhiều ưu điểm.


Tuyến đường Phú – Tân – Xuân (đoạn ngã tư vào trung tâm xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà) và ngõ số 25 đường Nguyễn Huy Tự (TP Hà Tĩnh), sau 6 tháng thi công thử nghiệm công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing trên mặt bê tông xi măng đang nhận được sự đánh giá cao của các nhà chuyên môn và người dân bởi tính ưu việt mà công nghệ này mang lại.

Vì là thử nghiệm nên chiều dài mỗi đoạn, tuyến chỉ khoảng 150m. Chỉ ngắn vậy thôi nhưng ai đã từng điều khiển xe qua các đoạn, tuyến này đều nhận rõ được sự êm thuận khác biệt so với đường bê tông xi măng.

Khác biệt nữa của công nghệ này được ông Nguyễn Văn Nam (xã Thạch Tân) ghi nhận: “Đoạn đường được nâng cấp bằng lớp vữa nhựa polime Micro Surfacing đi lại thật êm. Điều quan trọng là không phải thay đổi nền đường nên chúng tôi không phải nâng sân, nâng nhà…”

Lời ông Nam được Trưởng Phòng Thẩm định chất lượng giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) Lê Anh Sơn, giải thích khái quát: Người dân 2 bên không phải nâng nhà, nâng sân vì hỗn hợp nguyên liệu để đổ đường chỉ tạo một lớp phủ mới trên đường cũ, dày từ 3,6mm đến 10,8mm...

Điều đáng nói là, ngoài giá thành hợp lý (rẻ hơn 28% so với phương án thi công trước đây), công nghệ này còn khôi phục độ bám, độ bằng phẳng, kín nước, cải thiện điều kiện êm thuận với mặt đường bê tông xi măng, giảm hao mòn lốp xe, làm mới hoàn toàn mặt đường; thi công nhanh chóng, rất thân thiện với môi trường...

Công nghệ phủ vữa nhựa polime trong bảo trì đường bộ: “Ngon, bổ, rẻ…”

Tuyến đường đi qua Trung tâm xã Thạch Tân (Thạch Hà)...

Công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing trên mặt đường đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, công nghệ này đã được thi công trên nhiều tuyến quốc lộ như: QL 1, QL 2, QL 49, QL 54, QL 61, đường Hồ Chí Minh…

Ông Sơn cho biết thêm, qua kiểm tra một số tuyến đường đã ứng dụng công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime mặt đường trên địa bàn, đặc biệt là tại tuyến trục chính Khu công nghiệp Hợp Châu - Đồng Tĩnh, tỉnh Vĩnh Phúc (sau 11 tháng đưa vào sử dụng), đều cho kết quả tốt, không có hiện tượng bong tróc, chất lượng vệt nối đảm bảo, cải thiện rõ rệt độ êm thuận mặt đường, giải pháp xử lý tại các khe co giãn, khe nối đảm bảo yêu cầu.

Trao đổi về vần đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Bùi Đức Đại cho biết, công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing là công nghệ tân tiến với nhiều ưu điểm so với các phương án duy tu, sửa chữa đường bộ truyền thống. Do đó, Sở GTVT tỉnh kiến nghị các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố khi duy tu, nâng cấp sửa chữa trên mặt đường cũ cần đưa vào tính toán, so sánh phương án lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing với các phương án truyền thống khác, trên cơ sở đảm bảo yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, môi trường, tiến độ để lựa chọn phương án tối ưu.

Công nghệ phủ vữa nhựa polime trong bảo trì đường bộ: “Ngon, bổ, rẻ…”
... và ngõ 25 đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh sau khi thi công bằng công nghệ lớp phủ nhựa pholime Micro Surfacing được người dân đánh giá cao bởi tính hiệu quả, thiết thực...

Sở GTVT Hà Tĩnh còn khuyến cáo: Khi áp dụng công nghệ lớp phủ vữa nhựa polime Micro Surfacing để khắc phục tình trạng bong tróc, hư hỏng mặt đường, đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác, các bên liên quan cần điều tra, khảo sát kỹ các thông số của kết cấu mặt đường hiện trạng (như mô đun đàn hồi, chiều dày, vật liệu kết cấu mặt đường cũ...).

Đồng thời, điều tra điều kiện địa chất, thủy văn, chế độ thủy nhiệt; lưu lượng xe hiện tại và dự báo trong tương lai để có đủ cơ sở đưa ra phương án thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo và duy trì cường độ mặt đường trong thời hạn thiết kế; phát hiện, xử lý triệt để các hư hỏng của mặt đường, khe co giãn trước khi thi công phủ mặt.

Theo Trọng Tuệ/baohatinh.vn