Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun đất
- Thứ ba - 15/12/2015 21:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơ sở
Giun đất được sử dụng trong công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi là giun đỏ (Lumbricus rubellus), giun quế (Perionyx excavatus), giun hổ (Eisennia fetida), giun hổ đỏ (Eisenia fetida). Trong đó, hai loại giun được sử dụng phổ biến ở nước ta là giun đỏ và giun quế. Hai loài này thuộc nhóm ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, là những loài đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi thương phẩm ở nước ta hiện nay.
Trong ruột giun có chứa hàng triệu vi khuẩn hiếu khí có vai trò phân giải các sinh khối hữu cơ, hóa chất và cũng là tác nhân kích thích sinh học. Một quần thể giun 15 nghìn con nuôi tạo hàng tỷ vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Chính quần thể vi khuẩn này giữ vai trò phân giải các chất hữu cơ của chất thải. Đồng thời trong ruột giun còn chứa nhiều các enzyme như protease, lipase, amylase, cellulose, chitinase cũng là những tác nhân phân giải các vật liệu giàu protein và chất xơ trong chất thải hữu cơ. Trong quá trình phân hủy chất thải, giun thải dịch chất từ ruột và dịch chất này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong khối phân ủ. Chất thải khi đã được giun đất xử lý sẽ giảm sự độc hại đối với môi trường. Hơn nữa, các chất có thể làm tắc nghẽn hệ thống cống như rơm rạ, cặn bã thức ăn… ở trong môi trường nuôi giun đất sẽ mục rữa, có thể làm phân bón tốt cho cây trồng.
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun đất giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh: Trần Út
Có thể kết hợp ấu trùng ruồi đen với giun đỏ hay giun quế đều cho hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi, do chất thải của ấu trùng ruồi đen được giun sử dụng làm thức ăn. Giun đỏ nuôi trên chất thải của ấu trùng ruồi đen lớn nhanh gấp 2 - 3 lần nuôi trên chất thải là phân ủ. Ấu trùng ruồi đen ăn chất thải thối rữa mà đôi khi giun đỏ không ăn, trong khi giun đỏ lại có thể ăn những chất xơ mà ấu trùng ruồi đen không ăn. Hai loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải hữu cơ khác nhau.
Ứng dụng xử lý chất thải chăn nuôi
Mặc dù giun có thể sống trong điều kiện nhiệt độ 5 - 300C. Tuy nhiên, ở dưới 100C giun ít hoạt động, dưới 50C, giun ngủ đông, dưới 00C và trên 400C giun chết, ở nhiệt độ 28 - 300C giun hạn chế sinh sản hoặc di chuyển đến nơi ở khác. Nhiệt độ 25 - 280C là thích hợp nhất để giun sinh trưởng và phát triển, đồng thời giun có thể xử lý chất thải chăn nuôi tốt nhất.
Phân thải động vật có thể xử lý bằng hình thức là đánh luống. Tuy nhiên, một số nơi có thể xử lý phân thải bằng giun đất trong thùng. Luống để nuôi giun có thể xây bằng gạch hoặc có thể quây bồ là được. Nếu nuôi giun bằng thùng, tùy theo quy mô chăn nuôi lớn nhỏ mà chuẩn bị thùng cho phù hợp. Thùng có độ lớn đảm bảo chứa hết lượng phân của vật nuôi và không làm thay đổi nhiệt độ trong thùng và có lỗ thoát nước khoảng 5 mm, để phía đáy thùng không quá bị ẩm ướt. Đáy thùng được lót một lớp rơm, rạ. Thùng đựng phân thải có nắp đậy kín đảm bảo giun không bò ra ngoài. Các thùng nuôi giun thường làm bằng gỗ, nhựa.
Nơi bố trí luống để xử lý phân thải bằng giun đất phải thoáng mát, không bị ngập úng và tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Chủ động nguồn nước sạch để tưới thường xuyên, đảm bảo độ ẩm. Có chất nền xốp, kết cấu tương đối thô, có khả năng giữ ẩm tốt.
Giun đất có thể xử lý trực tiếp phân của các loại gia súc ăn cỏ. Với phân của những loại gia súc nhỏ hay gia cầm cần phải đánh đống ủ hoai trước khi xử lý. Sau đó, đánh thành từng luống với độ dày 3 - 4 cm, rồi tiến hành thả giun giống. Ta lên dùng giun sinh khối để làm giống, mật độ 9 - 20 kg/m2, tùy lượng phân hàng ngày, thường lượng giun thả nuôi tương ứng với lượng phân cung cấp hàng ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng giun tinh với lượng 1,5 - 2 kg/m2. Thường thả giun giống vào lúc sáng sớm, theo một đường thẳng ở giữa luống hoặc giải thành từng đám ở giữa mặt luống.
Giun có tập tính sống trong môi trường tối. Khi trời sáng, giun chui sâu xuống dưới tầng mặt nên cần che phủ mặt luống để tạo bóng tối cho giun lên mặt luống ăn thức ăn cả ngày lẫn đêm.
Thường xuyên tưới nước cho giun, đặc biệt trong những ngày hanh, nắng. Độ ẩm thích hợp của luống nuôi là 70%.
Hàng ngày bổ sung phân với độ dày khoảng 5 cm trên mặt luống. Có thể tiếp tục bổ sung thêm phân khi thấy bề mặt luống tơi xốp. Nếu sau 1 ngày thấy lượng phân còn thừa nhiều thì cần giảm lượng thức ăn hoặc thả thêm giun giống.
Để xử lý phân hiệu quả cần theo dõi luống giun hàng ngày. Cần có biện pháp hạn chế và tiêu diệt kiến. Luống giun cần được che chắn và bao lưới xung quanh để chắn các loại địch hại như: vịt, gà, cóc, nhái,…
Vào những ngày trời quá nắng cần có biện pháp che nắng và giảm nhiệt độ trong luống giun.
Sau 20 - 30 ngày, tiến hành thu giun và phân giun 1 lần.
>> Ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giun đất được xem là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… với tỷ lệ protein tính trên lượng chất khô chiếm tới 68 - 70%.