Công nhận và đưa vào sản xuất 63 giống cây lâm nghiệp quốc gia và tiến bộ kỹ thuật
- Thứ bảy - 18/02/2012 23:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp, từ năm 1998 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận và đưa vào sản xuất đại trà 9 giống cây lâm nghiệp Quốc gia, 54 giống tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá trị rừng kinh tế và phòng hộ, góp phần hoàn thành Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các viện, trường triển khai trên 100 đề tài, công trình tập trung xây dựng các mô hình trồng rừng bằng các giống mới đã được công nhận; đưa vào sản xuất các giống cây nhập nội có tiềm năng, các cây bản địa mọc nhanh; xây dựng các mô hình trồng rừng hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng dặm thêm các loài cây nhập nội, cây bản địa mọc nhanh, cây gỗ lớn ở các vùng sinh thái khác nhau.
Ngoài việc ban hành danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính, giống cây trồng được phép kinh doanh; danh mục giống cây trồng phải áp dụng tiêu chuẩn ngành; các loài cây chủ yếu trồng sản xuất theo 9 vùng sinh thái lâm nghiệp, hướng dẫn bổ sung một số loài cây trồng rừng và lâm sản ngoài gỗ tại 62 huyện nghèo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo nhập một số giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao để gây trồng thử nghiệm như lát Mexico, thông Ellioti, các loại tre lấy măng, giổi tàu, mao trúc, ngân hoa...và đều cho kết quả khả quan. Nhờ đó, chất lượng giống cung cấp cho trồng rừng tăng đáng kể, đến năm 2010 đã cung cấp 60% giống từ nguồn được công nhận, trong đó 40% nhân từ giống sinh dưỡng cho trồng rừng.
Trên cơ sở Đề án phát triển khuyến lâm định hướng đến năm 2020, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện chuyển giao các mô hình trồng rừng nguyên liệu như Bạch đàn Uro, Bạch đàn lai, Keo tai tượng tuyển chọn...và một số loài cây khác được trồng trong mô hình khuyến lâm với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Hiện có hơn 80% số hộ dân vùng nguyên liệu giấy đã biết áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, đạt năng suất 15-20m3/năm đối với rừng Bạch đàn, Keo lai. Nhiều mô hình cho thu hoạch từ 10-15 triệu đồng/ha/năm, tiêu biểu như tại Thạch Thành-Thanh Hóa, Phú Lương-Thái Nguyên, Lạng Giang-Bắc Giang, Lương Sơn-Hòa Bình, Củ Chi-Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Lương-Phú Thọ.../.
Theo TTXVN