Cú hích chăn nuôi đệm lót sinh học

Cú hích chăn nuôi đệm lót sinh học
Trong bối cảnh hàng triệu người chăn nuôi điêu đứng với dịch bệnh và thua lỗ, phá sản vì giá bán heo, gà quá thấp, thì ở nhiều địa phương xuất hiện mô hình sử dụng đệm lót sinh học đã “cắt đứt” dịch bệnh và cho lãi nhờ giảm chi phí 10 - 15%.

 

Hàng loạt Trung tâm KN-KN các tỉnh cũng vừa lên tiếng đề nghị sớm công nhận đệm lót sinh học là tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển nhân rộng.

NGỒI CHUỒNG HEO NHƯ… NGỒI PHÒNG

Sau khi điện thoại hẹn gặp, chúng tôi chạy thẳng đến trang trại chăn nuôi heo giống cấp 1 (nằm trên QL 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) và được ông Nguyên Văn Tân, Giám đốc trại heo dẫn đi tham quan, tìm hiểu mô hình sử dụng đệm lót sinh học mới được áp dụng hơn 1 năm qua.

Bước đầu tiên, ông bắt chúng tôi phải đi ủng và mặc trang phục riêng của trại. Ngay khi bước vào khu nuôi heo rộng lớn, chúng tôi bị “ngợp” về đàn heo giống “khủng” ở đây lên tới 5.000 con cụ kỵ nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Bỉ... và hàng nghìn con heo giống ông bà nuôi trong hàng chục khu chuồng rộng tới 7.000 m2.

Đàn heo ở đây con nào con nấy đều hồng hào, béo tốt, tròn quay và liên tục vận động đi lại đào bới trên lớp đệm lót sinh học. Điều bất ngờ nhất, chúng tôi ngồi giữa khu chuồng heo nuôi hàng nghìn con heo nhưng tuyệt nhiên không ngửi thấy mùi hôi phân, nước tiểu như những chuồng trại khác.

“Ngồi đây cứ như ngồi trong… văn phòng ấy!”, tôi nói vui với ông Tân. Ông nở nụ cười rất tươi giải thích: “Số là đầu năm 2012, tôi gặp TS Nguyễn Văn Bắc ở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và được anh Bắc giới thiệu cho đi tham quan mô hình nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học ở Tây Ninh. Đến đây thấy họ làm hiệu quả quá, đặc biệt là khi vào chuồng không hề ngửi thấy mùi hôi nên tôi ham quá, về thông báo ngay cho đơn vị mình...”.


Ông Tân bốc lớp đệm lót hoà lẫn phân heo lên mũi ngửi để chứng minh 
không có mùi hôi

Do kỹ thuật để làm đệm lót sinh học cực kỳ đơn giản nên anh Tân chỉ mất vài ngày để ứng dụng làm cho trang trại. Cụ thể, nền dưới đất mặt anh cho trải một lớp trấu dày khoảng 30 cm, phía trên rải 1 lớp men sinh học, tiếp theo rải 1 lớp xơ dừa hoặc mùn cưa.

Phân và nước tiểu heo thải ra sẽ nuôi con vi khuẩn men sinh học để nó phát triển, sau đó chính lớp men sinh học sẽ phân hủy toàn bộ phân và nước tiểu của heo để xử lý mất hết mùi hôi. Đặc biệt, sau một vài chu kỳ nuôi, toàn bộ phần lớp xơ dừa hoặc mùn cưa phía trên được thu gom lại và trở thành phân bón sinh học cho cây trồng rất hiệu quả.

“Hiện có nhiều đơn vị đang đặt mua loại phân này, số tiền thu được trại dùng tái đầu tư trở lại làm đệm lót sinh học mới. Tôi còn đang suy nghĩ cho ra đời một nhãn hiệu phân bón hữu cơ sinh học riêng của trại để tạo giá trị gia tăng”, ông Tân nói.

Riêng đàn heo hàng nghìn con, do được được trở lại bản năng tự nhiên của loài vật, vận động liên tục nên khỏe mạnh, gần như miễn nhiễm các loại dịch bệnh, thịt săn chắc, tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp. Hiệu quả nhất là không tốn tiền điện nước để phun xịt chuồng hay tắm rửa cho heo, người nuôi chỉ việc quan sát và cho ăn nên rất nhàn hạ, công lao động cực thấp.

Ông Tân cũng khẳng định, mô hình này có thể áp dụng đại trà trong dân, nhất là dân chăn nuôi nhỏ lẻ, vùng sâu vùng xa vì chi phí thấp mà hiệu quả lại cao. Việc xây chuồng trại tráng xi măng rất tốn kém, nhưng khi sử dụng đệm lót sinh học thì chỉ cần nền đất.


Đàn heo nuôi trong đệm lót sinh học cho hiệu quả kinh tế rất cao

Đặc biệt, 1 m2 nền xi măng gồm hỗn hợp đá, sỏi và xi măng lên đến gần 300.000 đồng, còn đệm lót sinh học chỉ đầu tư 1 lần 60.000 đồng/m2 sau đó bán phân sinh học của chính lớp đệm này là dư tiền tái đầu tư trở lại.

KHUYẾN NÔNG KHOÁI

Sau một thời gian được Trung tâm KNQG, trực tiếp là TS Nguyễn Văn Bắc hướng dẫn, triển khai phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh thực hiện mô hình đệm lót sinh học tại một số trại chăn nuôi, đến nay đã cho kết quả rất khả quan. Điều đáng mừng, rất nhiều Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lên tiếng đề nghị sớm công nhận đệm lót sinh học là TBKT mới, từ đó có chính sách để nhân rộng ra cho toàn ngành.

Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp đã triển khai mô hình làm đệm lót sinh học từ năm 2010 cho trên 12 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Qua thời gian nuôi trên đệm lót sinh học, cán bộ khuyến nông tỉnh này cảm thấy rất khoái chí vì lần đầu tiên chứng kiến cả cuộc đời con heo không hề một lần phải… tắm!

Toàn bộ chuồng trại cũng không cần phun rửa, môi trường chuồng trại sạch sẽ, không còn mùi hôi đặc trưng, không khí, nước đất không bị ô nhiễm. Bản thân người chăn nuôi rất phấn khởi khi vẫn duy trì, phát triển chăn nuôi nhưng không ảnh hưởng đến người xung quanh và bảo vệ được sức khỏe cộng đồng.

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp cũng khẳng định, heo nuôi trên đệm lót sinh học tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường, giảm thiểu một số dịch bệnh, và quan trọng hơn là có thể tiết kiệm được 10% lượng TĂCN, giảm tới 60% chi phí nhân công vệ sinh, giảm chi phí thuốc, vacxin, điện nước.

Theo tính toán của đơn vị này, chi phí chung cho chăn nuôi giảm khoảng 100.000 đồng/heo thịt, 2.000 - 3.000 đồng/gia cầm nên thu nhập người chăn nuôi sẽ được tăng lên.

Tương tự, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đã bắt đầu thực hiện mô hình đệm lót sinh học từ năm 2012. Trong năm đầu tiên, Trung tâm triển khai mô hình đệm lót cho heo ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên và xã Đa Phước, huyện An Phú.

Sang năm 2013, kế hoạch sẽ thực hiện 13 mô hình và hiện tại đã triển khai 4 mô hình trên heo (huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và Châu Thành) và 3 mô hình trên gà (huyện Châu Phú, An Phú và TP.Long Xuyên).


Xơ dừa sau khi dùng làm đệm lót sẽ biến thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng

Qua thực tế thực hiện mô hình cho thấy rất phù hợp với quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mỗi ô chuồng bình quân 10 con heo thịt, 100 - 200 con gà, đặc biệt là rất phù hợp trong điều kiện chưa có khu quy hoạch chăn nuôi riêng biệt như hiện nay.

Riêng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau thì khẳng định, qua thời gian xây dựng mô hình trình diễn, bà con nông dân trong vùng rất phấn khởi và đánh giá đây là một tiến bộ mới trong chăn nuôi vì giúp tiết kiệm trên 10% chi phí thức ăn, tăng trọng lượng 3 - 5% so với cách nuôi thông thường, tiết kiệm 80% chi phí nước và 60% chi phí nhân công.

Đặc biệt tạo điều kiện cho hộ dân ít đất SX có thể tham gia chăn nuôi, cải thiện kinh tế. Thời gian và chi phí tiết kiệm được, bà con có thể phục vụ cho nghỉ ngơi, cải thiện sức khỏe, học tập, nâng cao trình độ dân trí, tham gia các hoạt động xã hội.

Vì thế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cà Mau cũng đề nghị ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cần được phát huy và nhân rộng ra nhiều vùng miền, góp phần đưa nghề chăn nuôi VN phát triển theo hướng bền vững.

Để tìm hiểu và được hướng dẫn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, bạn đọc có thể liên hệ với TS Nguyễn Văn Bắc, ĐT: 0918.357683.

TS Nguyễn Văn Bắc: Trong Quyết định phê duyệt chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013-2020 (ngày 4/6/2013), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã cho triển khai ứng dụng mô hình đệm lót sinh học trong nuôi heo nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi nông hộ và trang trại.

Mục tiêu 100% mô hình chăn nuôi được áp dụng và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quản lý theo hướng VietGAP, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi heo trong mô hình trên 10%.


Theo nongnghiep.vn