"Dẫn" ong rừng về làm mật

Với kinh nghiệm trong việc dẫn dụ ong rừng về làm tổ, ông Hoàng Văn Tùng ở khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên - An Giang) đã làm giàu nhờ nghề này.
"Dẫn" ong rừng về làm mật

Ông Tùng vốn quê ở Hà Nội, năm 1978, nhập ngũ, tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1982, ông xuất ngũ, chọn thị trấn Nhà Bàng làm nơi lập nghiệp. Bên cạnh việc mở quán nước phục vụ khách du lịch, ông còn có ý tưởng nuôi ong lấy mật trên cơ sở "gọi" đàn ong rừng về làm tổ.

Ban đầu, ông đóng khoảng chục cái thùng vuông vức rồi khoét lỗ, bên trong gác kèo để ong có nơi làm tổ. Bằng kinh nghiệm vốn có, ông ra ngoài bìa rừng hoặc lên núi tìm tổ ong mật, bắt ong chúa bỏ vào ống tre, bịt kín 2 đầu và buộc dưới chiếc nón lá. "Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, hàng ngàn con ong thợ, ong đực bay đến bu lại chỗ ong chúa. Khi thấy bầy ong từ nơi khác đến thưa dần thì đem tổ ong về nhà, cho vào thùng nuôi và phân bầy ra những thùng còn lại", ông Tùng chia sẻ bí quyết dẫn dụ ong rừng.

Những tưởng việc nuôi ong rừng sẽ thuận buồm xuôi gió nhưng trong quá trình nuôi, ấu trùng ong mật bị bệnh và chết dần, số lượng đàn ong cũng thưa hơn. Ông Tùng nhớ lại: "Năm đó, mỗi thùng thu hút khoảng 10.000 con ong vào làm tổ. Thế nhưng, do ong bị nhiễm bệnh thối ấu trùng nên không thu hoạch được mật. Tôi đành giải nghệ một thời gian để đàn ong rừng tự phục hồi rồi mới làm tiếp".

Sau khi tích lũy thêm kinh nghiệm, ông Tùng trở lại với nghề bằng việc mở rộng thêm 20 khung gỗ cho ong làm tổ. Từ đó, đàn ong phát triển tốt, mỗi tháng ông thu hoạch khoảng 7-8 lít mật. Ông Tùng chia sẻ: "Mình dưỡng ong tốt thì ong sẽ cho mật nhiều và thu nhập khá".

Về kỹ thuật nuôi ong, ông Tùng chia sẻ: "Thùng nuôi ong phải đặt chỗ râm mát, tốt nhất là đặt quanh vườn và yên tĩnh. Thùng phải khoét 5 lỗ, trong mỗi thùng cần lưu ý gác kèo gần nhau, không để thưa quá. Hàng tháng phải vệ sinh thùng sạch sẽ để ong không bị bệnh. Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy hiện tượng bánh mật đóng nhô lên phần trên của cây kèo là lúc ong chuẩn bị tách đàn. Lúc này, người nuôi phải khéo léo dùng tay gỡ bánh mật sang qua thùng khác để ong chia bầy".

Ông Tùng tỏ ra am tường về cách nhận biết ong chúa: "Con ong chúa to cỡ đầu đũa, đít màu đen óng. Chỉ cần bắt ong chúa là những con ong thợ và ong đực bu vào làm tổ. Quá trình lấy mật ong cũng phải cẩn trọng, nếu lấy hết mật đàn ong sẽ bỏ tổ đi hết. Đặc biệt, phải lấy vào ban đêm và đúng thời gian thì ong mới cho mật nhiều. Thường tháng 11 đến tháng 4 âm lịch năm sau là thời điểm ong cho mật nhiều nhất. Bởi thời gian này, cây cối nở hoa, tạo điều kiện cho ong rừng hút mật càng nhiều".

Hiện, lượng mật ong ông Tùng làm ra không đủ cung cấp cho khách du lịch. Với giá bán 480.000 đồng/lít, gia đình ông Tùng có thu nhập tương đối ổn định nhờ nghề này. Tuy nhiên, cũng theo ông Tùng, thời gian gần đây đàn ong rừng giảm hơn trước. Ông tỏ vẻ tiếc nuối: "Mấy năm gần đây, nhà vườn tăng cường phun xịt thuốc trừ sâu cho cây ra bông, kết trái sớm nên gây mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, khiến các loài thiên địch có ích như ong rừng giảm dần số lượng. Tôi thấy lo cho đàn ong rừng trong tương lai…".

Theo ktnt