Đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu giống cây - con hiệu quả
- Thứ hai - 08/07/2013 21:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, vùng DHNTM-TN thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, mưa lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt. Trước thực tế đó, Bộ đã chỉ đạo các viện nghiên cứu, trung tâm giống chọn tạo và phát triển thành công một số giống cây lương thực, cây thực phẩm có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi.
Trong đó, đáng chú ý là các giống lúa trung ngày như SH 2, AN 13, AN 26-1, HYT 108… có năng suất cao và ổn định từ 7-8 tấn/ha/vụ; các giống bắp (ngô) lai như LVN 4, LVN 9, LVN 10, LVN 99, VN 2… cho năng suất từ 10-12 tấn/ha; các giống khoai mì (sắn) cho năng suất từ 40-50 tấn/ha, thời gian sinh trưởng đa dạng, thích nghi với điều kiện đất đồi, đất xám bạc màu và đất cát ven biển như SM 2075-18, BKA 900, KM 98-7, KM 140, KM 98-5…; bộ giống đậu phụng (lạc) năng suất ổn định từ 30-40 tạ/ha, thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt như LDH.01, LDH.04, LDH.06…
Bên cạnh đó, nhiều TBKT khác cũng đã được áp dụng vào các ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện công nghệ sau thu hoạch, trong đó có thiết bị chế biến đa dạng hóa sản phẩm nông - lâm - thủy sản và thiết bị sơ chế bảo quản rau, quả tươi…
Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế còn phải chờ việc nghiên cứu mới của các nhà khoa học thì mới lấp đầy những khoảng trống trong thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ông Đào Minh Hường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi cho biết: "Quảng Ngãi hiện đang phát triển mạnh cây mì với diện tích hàng năm khoảng 25.000ha. Song loại cây trồng này hủy hoại môi trường khá lớn do khả năng hút chất dinh dưỡng nhiều, khiến đất nhanh thoái hóa. Do vậy, những diện tích đất trồng mì chỉ sản xuất từ 2-3 năm là phải bỏ vì đất đã khô cằn, nhiều nơi nông dân phá rừng để kiếm đất mở rộng diện tích trồng mì. Hiện nay, tỉnh đang cải thiện tình hình bằng cách khuyến cáo nông dân trồng xen mì với các loại cây họ Đậu để cải tạo đất. Về lâu dài, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu để có biện pháp giúp nông dân khắc phục tình trạng này".
Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận) cho biết thêm: Ninh Thuận có cây mũi nhọn là nho. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, dịch bệnh trên cây nho diễn biến phức tạp, hiệu quả mang lại khá thấp, nhưng người dân không thể bỏ nho vì là cây đặc sản của địa phương. Hiện, bà con rất mong các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, tìm ra giải pháp khắc phục dịch bệnh bền vững trên cây nho.
Tương tự, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu ý kiến: Gần đây, Bình Định đang rất "đau đầu" về tình trạng phá rừng tại một số địa phương do người dân sống gần rừng không có thu nhập ổn định. Do vậy, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về những loại cây có giá trị kinh tế trồng dưới tán rừng, nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con; đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm cho xây dựng Trung tâm nghiên cứu giống mía đặt trên địa bàn, để không chỉ Bình Định mà nhiều địa phương khác có điều kiện phát triển vùng nguyên liệu mía phục vụ các nhà máy chế biến.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, tuy các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nhưng giữa nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế vẫn còn khoảng cách khá lớn, chưa đáp ứng được thực tế sản xuất của nông dân và yêu cầu của các địa phương. Bên cạnh đó, lâu nay, TBKT đưa vào sản xuất hầu hết được thông qua hệ thống khuyến nông, do đó, kết quả mang lại còn hạn chế. Qua hội nghị này, Bộ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, đồng thời có giải pháp chỉ đạo, đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu có chiến lược nghiên cứu các đề tài thiết thực, hiệu quả hơn.
Phú Mỹ
Nguồn:kinhtennongthon.com.vn